Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin 'phong tỏa' cao tốc để thu phí
- 14:41 03-10-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phương tiện đi vòng ra trạm IC3 và quay lại cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau khi đã trả phí. |
Cụ thể, văn bản nêu rõ: Báo Tiền Phong ngày 15/9/2021 có bài “Chặn đường, ép lái xe trên cao tốc về Hà Nội phải đi vòng trả phí” phản ánh liên quan đến việc thu phí trên đường cao tốc.
Bài báo đề cập: cao tốc Lào Cai - Nội Bài là một trong những cao tốc có trạm thu phí bị yêu cầu dừng hoạt động khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, lẽ ra phương tiện, chủ yếu là xe chở hàng đi theo luồng xanh qua trạm thu phí cao tốc Lào Cai - Nội Bài ở phía đầu Hà Nội dừng thu phí.
"Tuy nhiên, để không bị thất thu đối với toàn bộ phương tiện từ hướng Lào Cai chạy về Hà Nội, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhà đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC đã cho “chặn” toàn bộ chiều đường chạy về Hà Nội tại đoạn qua cầu vượt Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
Tại đây, để tiếp tục hành trình về Hà Nội, phương tiện được yêu cầu đi vào tỉnh lộ 310 (Vĩnh Phúc) và thực hiện thanh toán phí trạm IC3, sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội", văn bản nêu rõ.
Về các phản ánh trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo xử lý.
Trong các ngày từ 15/9 đến 22/9, báo Tiền Phong có các bài về việc đơn vị vận hành, thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai “Chặn đường, ép lái xe trên cao tốc về Hà Nội phải đi vòng trả phí”. Nội dung các bài báo phản ánh: Là trạm thu phí của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hướng về Hà Nội phải dừng hoạt động khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, để không bị “mất thu”, khi phương tiện chạy đến khu vực giáp ranh giữa Vĩnh Phúc với Hà Nội, nhà đầu tư VEC đã dựng hàng rào phong tỏa toàn bộ đường cao tốc hướng về Hà Nội. Tại đây, để tiếp tục hành trình về Hà Nội, phương tiện được yêu cầu rẽ vào hướng tỉnh lộ 310 (Vĩnh Phúc) và thực hiện việc trả phí tại trạm IC3 của VEC, sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội. Nhiều ý kiến của lái xe và DN vận tải cho rằng, việc họ đi đường BOT và trả phí là điều hiển nhiên và VEC phải có giải pháp cho việc thu này, nhưng hành động chặn cao tốc, buộc xe thay đổi hành trình là không chấp nhận được. Sau khi báo đăng sự việc trên cả Tổng Cty VEC và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đều có văn bản gửi báo Tiền Phong và các cơ quan chức năng khẳng định việc trên là đúng chủ trương, quy định. Tuy nhiên, sau đó trả lời chúng tôi đại diện các Hiệp hội vận tải và Luật sư cho rằng, không có quy định nào cho phép nhà đầu tư, thậm chí cả Tổng cục ĐBVN được phép tự ý phong dựng rào cấm đường trên cao tốc. Sau khi báo Tiền Phong đăng các nội dung trên, cả Tổng Cty VEC và đại diện Tổng cục ĐBVN đã có ý kiến trực tiếp với đại diện báo Tiền Phong, rằng: có sự “vội vàng”, “luống cuống” khi lần đầu tiên xử lý những tình huống giãn cách xã hội để phòng chống dịch như vừa qua. |
Tác giả: Anh Trọng
Nguồn tin: Báo Tiền Phong