Cuộc đời nhiều biến cố của Phi Nhung
- 14:35 28-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
“Tóc mây thơm mùi cỏ/ Đưa anh thoát xa dần vùng trần gian/ Với những ưu tư/ Cỏ may đan dấu chân tròn/ Đường đi bước mòn…”.
Phi Nhung hát Bông cỏ may trong bộ đồ bảo hộ, đeo khẩu trang che chắn và phụ họa bằng những động tác nhí nhảnh khi đi làm thiện nguyện trong thời dịch. Đó là những hình ảnh, ký ức cuối cùng mà nữ ca sĩ để lại trước khi qua đời.
Trang Facebook của nhiều người thân, đồng nghiệp, giới mộ điệu đồng loạt đổi avatar đen trong ngày 28/9 như một lời tiễn biệt nữ ca sĩ về nơi an nghỉ.
Tuổi thơ nhiều nước mắt
Năm 1993 được xem là cột mốc để đánh dấu sự thay đổi, phân tách hai mảng trong cuộc đời lẫn sự nghiệp của nghệ sĩ có tên Phi Nhung.
Nếu trước 1993, tuổi thơ của cô là mảng tối với chuỗi ngày cực khổ, trầm luân. Tổng kết về quá khứ, Phi Nhung từng bày tỏ: “Lúc nhỏ, tôi là đứa trẻ thiếu tình thương”. Cô sinh ra trong chùa, có cha là người Mỹ, mẹ người Việt Nam. Một tháng sau khi chào đời, Phi Nhung được ông bà ngoại đón về nuôi. Mẹ cô đi bước nữa và Phi Nhung có thêm 5 người anh em cùng mẹ khác cha trong hoàn cảnh cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Học hết lớp 6, Phi Nhung phải nghỉ giữa chừng để theo đuổi công việc thợ may, phụ giúp gia đình. Không lâu sau, mẹ của cô đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn. Cô và các chị em lại nương nhờ bên nhà ngoại.
Nỗi đau mất mẹ chưa kịp nguôi ngoai, Phi Nhung lại tiễn biệt bà ngoại về thế giới bên kia. Những ngày tháng vất vả nối tiếp khi cô thay cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ các em. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền đã chôn vùi ước mơ làm ca sĩ thuở nhỏ của Phi Nhung. Thế nhưng, những bài cải lương, dân ca khi ấy lại là nguồn vui duy nhất của cô bé 13 tuổi.
Phi Nhung là ca sĩ nổi tiếng ở dòng nhạc dân ca, trữ tình. Ảnh: Nguyễn Đức Tân. |
Đến năm 1989, Phi Nhung được người quen bảo lãnh sang Mỹ. Nơi xứ người, cô vẫn miệt mài với nhiều công việc, từ rửa bát thuê đến bưng bê phục vụ ở nhà hàng. Thời gian khác trong ngày, cô làm thợ may để kiếm tiền gửi về nuôi các em ở quê.
“18 tuổi, tôi không dám mơ về những bộ cánh đẹp, son môi hay kiểu tóc mới. Tóc dài, tôi còn tự cắt cho đỡ tốn”, cô từng tâm sự.
Cô đơn, vất vả, Phi Nhung chỉ biết lấy âm nhạc làm bạn. Trên xe hay trong phòng trọ chật chội, cô thường xuyên mở những ca khúc nhạc trữ tình, quê hương. Bông điên điển, Mưa nửa đêm, Ngẫu hứng lý qua cầu… chính là sự cứu rỗi tinh thần, xua tan nỗi nhớ nhà của nữ ca sĩ thời điểm đó.
Cuộc đời Phi Nhung bước sang một trang mới vào năm 1993. Trong một lần đi hát thiện nguyện ở chùa, cô tình cờ gặp Trizzie Phương Trinh lúc ấy là ca sĩ có tiếng ở hải ngoại. Mến mộ giọng hát của đàn chị, Phương Trinh khuyên Phi Nhung nên theo đuổi nghiệp cầm ca và ngỏ ý giúp đỡ.
Cùng năm, Phi Nhung quyết định chuyển sang California để tạo dựng sự nghiệp. Được sự giới thiệu, hướng dẫn của Trizzie Phương Trinh, Phi Nhung bắt đầu đi hát ở một số sân khấu nhỏ, nhà hàng với mức cát-xê khiêm tốn. Không lâu sau, Phi Nhung được yêu mến với giọng hát ngọt ngào, thấm đẫm cảm xúc.
Bài hát Sông quê mà cô song ca cùng Thái Châu nhanh chóng tạo tiếng vang. Chỉ trong vòng 4 năm từ 1994-1998, Phi Nhung lần lượt giới thiệu 15 CD để đáp ứng nhu cầu khán giả. Nữ ca sĩ được mệnh danh là “nữ hoàng băng đĩa” vì mức độ phủ sóng dày đặc trên thị trường giai đoạn đó.
Giọng ca trữ tình được mến mộ
Về Việt Nam năm 2005, Phi Nhung nhanh chóng trở thành ca sĩ độc quyền của Trung tâm băng nhạc Rạng Đông. Giọng hát ngọt ngào, pha lẫn chất khàn đặc biệt của cô để lại dấu ấn trong lòng khán giả.
Trên sân khấu, giọng ca sinh năm 1970 kết hợp cùng nhiều nam ca sĩ như Thế Sơn, Duy Trường… Tuy nhiên, tri kỷ âm nhạc của Phi Nhung phải kể đến là Mạnh Quỳnh.
Hơn hai thập kỷ gắn bó của Mạnh Quỳnh và Phi Nhung. |
Cơ duyên gặp gỡ Mạnh Quỳnh theo lời kể của Phi Nhung là tại một chương trình ca nhạc ở Canada. Cả hai có màn song ca trong một liên khúc. Ở một số đoạn, Phi Nhung quên lời, Mạnh Quỳnh khi ấy đã nhắc cô một cách nhỏ nhẹ, tinh tế. “Ấn tượng ban đầu về Mạnh Quỳnh là người đàn ông nhẹ nhàng, dễ chịu”, Phi Nhung nhớ lại.
Về sau, cả hai hát chung trên hàng trăm sân khấu lớn nhỏ ở trong và ngoài nước. Màu hoa tím, Dòng sông hò hẹn, Thành phố buồn, Đừng nói xa nhau, Tình đời… trở thành ca khúc nằm lòng trong ký ức của thế hệ người yêu nhạc trữ tình ở thập niên 2000.
Mạnh Quỳnh và Phi Nhung có lúc trở thành vợ chồng, có lúc thành tình nhân trên sân khấu. Cả hai kết hợp ăn ý, tình tứ và mùi mẫn. Mạnh Quỳnh thậm chí không ngại nắm tay, ôm hôn, nói lời yêu với Phi Nhung.
Người yêu nhạc luôn kỳ vọng “cặp đôi vàng” trên sân khấu sẽ về chung một nhà ở ngoài đời.
Thế nhưng, nam ca sĩ dùng hình ảnh “lửa” và “rơm ướt” để ví von mối quan hệ của anh cùng đồng nghiệp. Mạnh Quỳnh nói cả hai chỉ dùng lại ở mức độ bạn bè, chưa bao giờ đi xa hơn về tình yêu.
“Chúng tôi lên sân khấu luôn làm theo cảm xúc bài hát, không có bất cứ sự sắp đặt nào. Vì vậy, đứng trên sân khấu cùng Phi Nhung, tôi luôn có cảm giác thoái mái. Tôi có thể diễn chung với bất kỳ ca sĩ nào, dù hay đến mấy vẫn không tìm được cảm xúc như hát với Phi Nhung”, anh bộc bạch trong một bài phỏng vấn trên Zing.
Điều ít người biết, Phi Nhung chính là bà mối se duyên cho Mạnh Quỳnh và vợ anh. Nữ ca sĩ cũng trở thành người bạn thân thiết của gia đình Mạnh Quỳnh. Trong những dịp Mạnh Quỳnh về nước biểu diễn, trên sân khấu không thể thiếu Phi Nhung.
Và rồi, khi “người tình âm nhạc” vướng bạo bệnh, từ Mỹ, Mạnh Quỳnh gửi lời động viên: “Cố lên bạn tôi nhé. Ta còn nợ nhau nửa đời nghệ thuật còn lại. Mình đã bên nhau suốt một quãng đường dài nhiều chông gai vất vả. Hãy mạnh mẽ và kiên cường như chính cuộc đời bạn. Cũng như mình, cuộc đời này vẫn luôn cần bạn”.
Đời tư kín tiếng
Trái ngược với sự sôi nổi trên sân khấu, Phi Nhung kín tiếng về đời tư. Cô chưa từng một lần chia sẻ về chuyện tình cảm trên truyền thông. Chỉ đến năm 2017, giọng ca Bông điên điển mới chính thức công khai con gái ruột có tên Wendy, sinh năm 1992, đỗ thủ khoa chuyên ngành y tá và hiện làm việc ở một bệnh viện tại Mỹ.
Tiết lộ về lý do giấu con trong gần 20 năm, Phi Nhung cho biết cô mong muốn Wendy có cuộc sống bình yên, trưởng thành không bị chú ý.
Phi Nhung và con gái ruột Wendy. |
Kể về quãng thời gian tự mình sinh con rồi làm bà mẹ đơn thân trên nước Mỹ, cô bày tỏ đó là tháng ngày cực khổ, cô đơn đến tột cùng. Phi Nhung phải chấp nhận xa Wendy trong nhiều năm để đến miền đất mới lập nghiệp với mong muốn “tạo dựng cuộc sống mới, đủ đầy cho con gái”.
Còn về thông tin cha của con gái, Phi Nhung giữ kín. “Cha Wendy rất tốt, hiền giỏi, nhưng không có duyên”, ca sĩ sinh năm 1972 hiếm hoi chia sẻ.
Chỉ có một người con ruột nhưng Phi Nhung lại là “người mẹ nhiều con nhất Việt Nam”. Sau nhiều năm, nữ ca sĩ nhận 23 người con nuôi, một số ở chung nhà với cô, số còn lại sống ở chùa Phước Lạc (Bình Phước).
Trong chương trình Ký ức vui vẻ lên sóng năm 2019, Phi Nhung tâm sự cô nhận nuôi nhiều người con vì bản thân từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, tuổi thơ thiếu tình thương cha mẹ.
“Tôi làm nhà mồ côi, cho các em nhỏ gọi tôi bằng má, nó cũng như bù lại cái hồi nhỏ tôi không có má để gọi. Và tôi hiểu tiếng gọi đó thiêng liêng và giá trị như nào”, nữ ca sĩ bộc bạch.
Những ngày cuối cùng của cuộc đời, Phi Nhung vẫn chăm chỉ làm thiện nguyện. Cô tham gia vào một số bếp ăn từ thiện tại TP.HCM. Người thân cho biết nữ ca sĩ đã dự tính chuyện về Mỹ làm show gây quỹ để lấy tiền mua máy thở ủng hộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Sau khi có triệu chứng đầu tiên, Phi Nhung đã đến bệnh viện xét nghiệm và nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Nữ ca sĩ phải hủy chuyến bay và một show diễn ở Mỹ vào ngày 22/8.
Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), sức khỏe của Phi Nhung từng có tiến triển. Thế nhưng, cô đã không chiến thắng được Covid-19. Nữ nghệ sĩ trút hơi thở cuối cùng vào 11h57 ngày 28/9, tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Yên nghỉ và tạm biệt Phi Nhung - “cành lan tím” trong lòng người yêu nhạc.
Tác giả: Hoàng Yến
Nguồn tin: zingnews.vn