Chuyển nhượng V.League: Cơn sốt ảo trước mùa giải mới
- 09:35 27-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đếm cua trong lỗ
Suốt mùa hè 2021, các CLB và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng như Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) dành thời gian để tranh cãi về kế hoạch hoãn hay hủy bỏ V.League 2021. Cuối cùng, các bên đồng ý với phương án hủy giải. VPF là bên chịu thiệt hại lớn nhất, về uy tín hình ảnh cũng như kinh tế. Trong khi đó, các CLB được xem là bên hưởng lợi khi họ có thể tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ liên quan đến việc vận hành cũng như kéo dài hợp đồng với các cầu thủ.
Mong muốn hủy giải thay vì hoãn đến tháng 2/2022 của phần lớn CLB xuất phát từ lý do tiền bạc. Họ không muốn nuôi không một dàn cầu thủ 6-7 tháng chỉ để tiếp tục một mùa giải cũ. Chính vì vậy, ngay sau khi VPF và VFF thống nhất hủy bỏ V.League 1 cũng như V.League 2 mùa này, các CLB đã thay nhau thanh lý hợp đồng. Các ngoại binh là những người bị phụ bạc nhất. Phần lớn ngoại binh đều phải ra đi không kèn không trống. Ngay cả những ngôi sao đang tỏa sáng như Rafaelson (SHB Đà Nẵng), Damir Memovic (HAGL) cũng bị thanh lý hợp đồng.
Cá biệt có các CLB thay máu toàn bộ ngoại binh như Nam Định, bất chấp Rodrigo Dias, Wesley Rodrigues và Oussou Konan đều chơi tốt ở giai đoạn 1 V.League 2021, hay Becamex Bình Dương với trường hợp của Victor Mansaray, Ali Rabo và Pape Omar Faye. CLB nổi tiếng chịu chơi như Hải Phòng cũng chia tay cả 3 cầu thủ Việt kiều Andrey Nguyễn Hùng Anh, Adriano Schmidt và Martin Lo.
Bài toán tài chính với bóng đá Việt Nam vẫn chưa có lời giải thỏa đáng sau 20 năm lên chuyên. Cho đến thời điểm này, không còn CLB nào tại V.League có thể tự sống khỏe. Than Quảng Ninh thậm chí nộp đơn xin giải thể vì nợ tiền thưởng, lót tay cầu thủ hơn 2 năm mà không có phương án chi trả. Niềm tự hào SLNA - nơi vẫn đi qua những năm tháng sóng gió bằng các tài năng “cây nhà, lá vườn” cũng phải sang tên, “đổi chủ” khi đứng trước nguy cơ xuống hạng lần đầu tiên trong lịch sử.
Cũng chính vì tài chính khó khăn, nên các CLB Việt Nam vẫn quen vận hành theo triết lý “đếm cua trong lỗ”. Cứ thấy lợi ích trước mắt là làm, cho dù thực tế điều đó chưa hẳn là tối ưu cho tương lai đội bóng.
Việc các CLB thay máu một loạt ngoại binh, thanh lý hợp đồng của nhiều cầu thủ nội khác chỉ giúp họ tiết kiệm được 6 tháng tiền lương và một khoản lót tay nào đó. Tuy nhiên, khi mùa giải mới bắt đầu, việc thiếu hụt nhân lực có thể khiến họ phải bỏ ra nhiều hơn để hoàn thiện đội hình. Quan trọng hơn, việc lắp ghép quá nhiều cầu thủ mới vào nhau có thể khiến đội bóng đi sai hướng và sa lầy vào khủng hoảng. Đây có lẽ là điều mà các CLB tại V.League không tính đến, hoặc đơn giản họ biết nhưng không quan tâm.
Rafaelson ghi 6 bàn trong 12 trận tại V.League 2021 nhưng vẫn bị câu lạc bộ SHB Đà Nẵng đẩy đi. |
Cơn sốt ảo trước mùa giải mới
Cũng vì V.League 2021 hủy bỏ giữa chừng mà khoảng cách giàu nghèo giữa các CLB trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong khi một số CLB phải nợ lương, phải tìm cách thanh lý hợp đồng càng nhiều càng tốt thì một số khác ung dung chiêu mộ tân binh khủng.
Đáng chú ý nhất là SLNA, CLB đã đổi đời chỉ sau một đêm. Từ chỗ khó khăn chồng chất, phong độ khủng hoảng, SLNA lột xác hoàn toàn khi về tay nhà tài trợ mới. Tập đoàn Tân Long không chỉ cải thiện cơ sở vật chất, mà còn rót thẳng tiền cho đội bóng giữ chân nhân tài, chiêu mộ ngôi sao. Quế Ngọc Hải và Nguyễn Trọng Hoàng đã rục rịch rời CLB Viettel để trở về sân Vinh với các khoản lương thưởng, lót tay khổng lồ. Trước đó, SLNA cũng nhanh tay chiêu mộ tiền đạo cũ Michael Ohala.
Tiếp đến, CLB TP Hồ Chí Minh cũng thể hiện sức mạnh tài chính đáng nể. Không chỉ quyết tâm giữ chân Lee Nguyễn, đội chủ sân Thống Nhất còn liên hệ ký hợp đồng với cựu ngôi sao Chelsea, John Obi Mikel.
Không mạnh bạo như SLNA và TP Hồ Chí Minh, nhưng các CLB như Sài Gòn, Hà Nội, Bình Định… đều có các hợp đồng lớn. Các CLB này đã khai thác triệt để việc Than Quảng Ninh tan đàn xẻ nghé để giành về các cầu thủ mà họ muốn có. Hà Nội gần như sẽ có Hai Long, Bình Định đã có Mạc Hồng Quân và tiếp tục tranh giành chữ ký của Nghiêm Xuân Tú, Tiến Duy. TP Hồ Chí Minh săn đón Hải Huy và Dương Văn Khoa…
Tất cả đang tạo ra một thị trường chuyển nhượng nhộn nhịp tại V.League cho dù mùa giải mới còn gần nửa năm nữa mới diễn ra. Tuy nhiên, sự nhộn nhịp này lại không đến đồng đều. Chính xác thì chỉ có số ít CLB mạnh vì gạo, bạo vì tiền đang tạo ra cơn sốt ảo cho thị trường. Ví dụ như SLNA đang biến các tuyển thủ Nghệ An trở nên đắt đỏ một cách vô lý, trong khi TP .Hồ Chí Minh lại đánh bạc với những “bom tấn” danh tiếng nhưng đã hết thời từ lâu.
Ở hướng ngược lại, các CLB nghèo khó hoặc không có nguồn tài trợ đủ lớn đang đứng trước một mùa giải đầy mông lung. Vấn đề đáng quan tâm nhất với họ lúc này là khoản tiền tiết kiệm được từ việc hủy giải là bao nhiêu và bằng cách nào họ có thể có đủ quân số cho mùa giải mới?
Câu lạc bộ Viettel trước bài toán chảy máu tài năng Nhà đương kim vô địch V.League - CLB Viettel đang đứng trước nguy cơ chảy máu tài năng nghiêm trọng sau mùa giải 2021. Hai trụ cột hàng thủ của họ, Quế Ngọc Hải và Trọng Hoàng sẽ nghe theo tiếng gọi của quê hương cũng như các đãi ngộ đặc biệt để trở lại SLNA. Trong khi đó, ngôi sao đang nổi Nguyễn Hoàng Đức nhiều khả năng sẽ cập bến CLB Thái Lan, BG Pathum United. Mất 3 trụ cột đều là tuyển thủ quốc gia cùng lúc là bài toán không đơn giản cho HLV Trương Việt Hoàng và các cộng sự, đặc biệt khi CLB Viettel vẫn chưa có kế hoạch chuyển nhượng nào đáng kể. Hồi đầu mùa giải 2021, Viettel cũng chuyển động khá chậm chạp cho dù phải tham dự AFC Champions League. Kết quả là họ đã có thời điểm khủng hoảng phong độ và bị HAGL vượt lên cho dù có thêm một suất ngoại binh. Tuy nhiên, trong cơn sốt ảo của thị trường V.League hiện tại, sự bình tĩnh của Viettel lại là yếu tố có thể tạo ra khác biệt. Thay vì lao vào cuộc đua tài chính cùng các “đại gia” khác, Viettel sẽ đánh giá chính xác vấn đề của đội bóng và tìm kiếm những sự bổ sung phù hợp nhất. |
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân