Bức ảnh khiến nước Mỹ chấn động
- 08:46 24-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hình ảnh các nhân viên tuần tra biên giới cưỡi ngựa, ngăn những người di cư Haiti băng qua biên giới để đến đất Mỹ đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong đảng Dân chủ. Họ quan ngại trước quyết định của Tổng thống Joe Biden về việc nhanh chóng trục xuất hàng nghìn người di cư đã đến thị trấn biên giới Rio Grande, thuộc bang Texas.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 21/9 cho rằng cách những nhân viên tuần tra này đối xử với người di cư thật "khủng khiếp". Bà dự định sẽ thảo luận về vụ việc với Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro N. Mayorkas. Hiện cơ quan này đã tiến hành điều tra về vụ việc.
“Con người không bao giờ đáng bị đối xử theo cách đó. Và tôi rất lo lắng về điều này", bà Harris nói, theo New York Times.
Khi được hỏi liệu ông Biden đã xem những hình ảnh này chưa, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Ông ấy tin rằng những cảnh quay và bức ảnh thật kinh khủng. Những nhân viên tuần tra này không đại diện cho nước Mỹ. Ông ấy cũng rất vui khi thấy thông báo về cuộc điều tra".
Kỵ binh Mỹ ngăn người di cư nhập cảnh trái phép vào nước này ở biên giới. Ảnh: AFP. |
“Sự phản bội” đối với người tị nạn
Những bức ảnh và đoạn phim ghi lại cảnh tương ở biên giới nói trên được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Nó cho thấy một lát cắt về tình trạng hỗn loạn diễn ra ở biên giới Mỹ từ tuần trước, khi hàng nghìn người Haiti bắt đầu băng qua Rio Grande và nhập cảnh trái phép vào Mỹ từ Del Rio, bang Texas.
Trong các video nói trên, những người vượt biên vào Mỹ đã bị lính biên phòng cưỡi ngựa ngăn lại. Một số sĩ quan còn dùng roi ngựa để đe dọa, trong khi một sĩ quan khác đã quát những người di cư bằng lời lẽ thô tục.
New York Times cho rằng những hình ảnh này là ví dụ mới nhất cho các nỗ lực kiểm soát dòng người nhập cư tăng vọt của chính quyền Biden, song cũng là sự phản bội lời hứa khôi phục các chương trình hỗ trợ người tị nạn.
Hiện chính quyền Mỹ đã đưa hơn 1.000 người nhập cư quay về Haiti trong tuần này. Một quan chức giấu tên nói với New York Times rằng chính quyền Tổng thống Biden dự định tổ chức 7 chuyến bay mỗi ngày, với khoảng 135 chỗ trên mỗi chuyến, để đưa những người di cư ra khỏi nước Mỹ.
Chính quyền Biden từng khẳng định sẽ chấm dứt lệnh hạn chế di cư do dịch Covid-19 do người tiền nhiệm ban bố, song lời hứa trên đã nhanh chóng thay đổi khi dòng người di cư vào biên giới Mỹ tăng vọt trong những tháng qua.
Theo New York Times, chính quyền Biden đã dùng lệnh hạn chế nói trên hơn 700.000 lần, nhằm nhanh chóng trục xuất những người nhập cư, trong đó gồm nhiều người muốn xin tị nạn.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng đề cử ông Chris Magnus, người nổi tiếng với các cải cách về chính sách biên giới, vào cương vị giám đốc cơ quan biên phòng Mỹ. Tuy nhiên, thượng viện Mỹ - do đảng Dân chủ chiếm đa số - vẫn chưa thông qua đề cử này.
Người di cư đến từ Haiti lội qua sông Rio Grande để trở về Mexico vào ngày 20/9 nhằm tránh bị trục xuất khỏi Mỹ. Ảnh: AP. |
Chỉ trích dữ dội
Những hình ảnh trên cũng làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ cả hai đảng trong quốc hội Mỹ, cũng như từ các tổ chức hoạt động xã hội. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại thượng viện, yêu cầu Tổng thống Biden và Bộ trưởng Mayorkas “ngừng ngay việc trục xuất”.
“Chúng ta không thể tiếp tục các chính sách bài ngoại và căm thù người tị nạn của thời Trump”, quan chức này nhấn mạnh.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết quốc hội đang theo dõi sát sao diễn biến của vụ việc “đau lòng” này.
“Tất cả người xin tị nạn phải được đối xử tử tế và theo pháp luật. Bất kỳ hành vi gây hấn hoặc bạo lực nào cũng sẽ không được dung thứ và phải chịu điều tra”, bà Pelosi nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley của đảng Cộng hòa gọi đây là “cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Del Rio”.
“Ông và đội ngũ của ông phải chịu trách nhiệm cho điều này. Hàng chục nghìn người đang phải sống trong điều kiện tồi tệ, và chính sách của các ông là nguyên nhân đẩy họ đến cảnh này”, ông Hawley chỉ trích trong phiên điều trần của Bộ trưởng Mayorkas.
Người đứng đầu bang Texas cũng đổ lỗi cho chính quyền liên bang.
“Những gì mà cả thế giới đang phải chứng kiến chính là hệ quả từ chính sách của chính quyền Biden. Đây thật sự là tình trạng hỗn loạn, và chính quyền Biden cần phải tìm cách cải cách chính sách”, Thống đốc Greg Abbott của bang Texas, một đảng viên Cộng hòa, nói.
Hôm 21/9, các tổ chức hoạt động xã hội, bao gồm Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu (NAACP), gửi thư cho Tổng thống Biden để lên án sự việc. Trong thư nhấn mạnh hành động của lính biên phòng là “đáng hổ thẹn, và thể hiện sự vô cảm đối với nhân tính của những người di cư da màu”.
Hình ảnh kỵ binh ngăn chặn người di cư Haiti làm dấy lên làn sóng chỉ trích trong quốc hội Mỹ. Ảnh: AP. |
Tranh cãi về kỵ binh
Phản ứng trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, trong cuộc họp báo hôm 20/9, người đứng đầu lực lượng biên phòng Mỹ Raul Ortiz cho rằng các lính kỵ binh biên phòng được triển khai nhằm hỗ trợ và giúp đỡ những người di cư nếu họ gặp nạn, đồng thời thu thập các thông tin tình báo về hoạt động buôn lậu.
Ông Ortiz cho biết vụ việc đang được điều tra để đảm bảo lực lượng hành pháp không phản ứng một cách “không thể chấp nhận được”. Quan chức này cũng cho biết các hoạt động trong môi trường ven sông nước là rất khó khăn, và các sĩ quan biên phòng đã cố gắng để kiểm soát ngựa nhằm tránh làm bị thương người di cư.
Một số chuyên gia lại cho rằng việc triển khai lính biên phòng, kỵ binh đến khu vực ven sông tại Rio Grande là không hợp lý. Gil Kerlikowske, cựu chỉ huy của lực lượng biên phòng, cho rằng kỵ binh thường được triển khai đến các khu vực có tầm nhìn hạn chế, như những bụi rậm lớn.
“Kỵ binh thường rất hữu dụng khi cần giám sát các khu vực rậm rạp, tuy nhiên, ở các khu vực trống và có đông người, thì kỵ binh lại không phải là lựa chọn tốt nhất”, ông Kerlikowske nói.
Về hành vi của các lính biên phòng, ông Kerlikowske cho rằng họ “đang cố gửi một thông điệp mang tính răn đe mạnh”.
Tác giả: Hương Ly
Nguồn tin: zingnews.vn