Vì sao vẫn bị trừ tiền khi chuyển cho tài khoản đã "tạm khóa báo Có"?
- 07:35 24-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong mấy ngày qua, cụm từ “tạm khóa báo Có tài khoản" gây chú ý của dư luận do liên quan tới việc sao kê tài khoản của ca sỹ Thuỷ Tiên nhận tiền quyên góp làm từ thiện.
Một số ý kiến cho rằng, “tạm khoá báo Có” chỉ là một cách “treo” tiền khi tài khoản bị tạm khoá. Tức là tài khoản bị tạm khoá nhưng vẫn có thể nhận được tiền và ghi nhận vào tài khoản ngay khi tài khoản được mở.
Ca sỹ Thuỷ Tiên gây chú ý trong vụ sao kê tiền làm từ thiện và tranh cãi về trạng thái tài khoản "tạm khoá báo Có" |
Tuy nhiên, trên thực tế, tài khoản ở trạng thái "tạm khoá báo Có" có nhận được tiền không? Theo lý giải của một giám đốc chi nhánh ngân hàng quốc doanh khu vực Cầu Giấy, trường hợp tài khoản “tạm khoá báo Có” như trên thì mọi giao dịch nhận tiền sẽ không được thực hiện.
Lúc này, nếu chuyển tiền tới tài khoản đã "tạm khoá báo Có", người gửi tiền vẫn nhận được thông báo giao dịch đã được thực hiện, và thể hiện nếu thực hiện sao kê. "Nhưng số tiền này không được chuyển đến tài khoản "tạm kháo báo Có" như dự định mà sẽ được “treo” tại tài khoản trung gian của ngân hàng nơi mở tài khoản tiền đi", vị này nói.
Sau đó, tiền sẽ được chuyển ngược lại tài khoản của người chuyển tiền. Giao dịch này cũng được thể hiện nếu chủ tài khoản sao kê. Thời gian để ngân hàng chuyển lại tiền này tuỳ thuộc vào từng ngân hàng, có thể 1 ngày đến 1 tuần.
Điều này giải thích cho lý do một số tổ chức, cá nhân vẫn bị trừ tiền ngay sau khi chuyển cho ca sỹ Thủy Tiên ở thời điểm ca sỹ này tuyên bố đã "đóng tài khoản". Trong khi đó, thời gian họ nhận lại tiền có thể kéo dài (phụ thuộc vào ngân hàng cung cấp dịch vụ) khiến một số người đặt nghi vấn: Phải chăng ca sỹ này không "đóng tài khoản" như tuyên bố? Hoặc suy diễn rằng “tạm khoá báo Có” chỉ là một cách “treo” tiền khi tài khoản bị tạm khoá...
Cũng lý giải về vụ việc của ca sỹ Thuỷ Tiên và việc tiền có vào tài khoản đã tạm khoá hay không, Vietcombank trích dẫn Điều 16, Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19/08/2014 về việc hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định: “Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện tạm khóa tài khoản thanh toán của khách hàng (tạm dừng giao dịch) một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán khi có văn bản yêu cầu của chủ tài khoản (hoặc người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản) hoặc theo thỏa thuận trước bằng văn bản giữa chủ tài khoản với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán”.
Do đó, "tạm khóa báo Có tài khoản" được hiểu là việc ngân hàng tạm dừng giao dịch ghi Có vào tài khoản của khách hàng.
Vietcombank lý giải trạng thái "tạm khoá báo Có tài khoản" |
“Nếu tài khoản được khoá toàn bộ cả 2 chiều ghi nợ và ghi có hoặc tài khoản được khóa chiều ghi Có thì số tiền người khác chuyển vào tài khoản này sẽ không được ghi Có vào tài khoản và được hoàn trả cho người chuyển tiền”, Vietcombank lý giải.
Còn đối với các trường hợp tạm dừng giao dịch ghi Có vào tài khoản của khách hàng, tài khoản sẽ không ghi Có bất cứ giao dịch nào kể từ thời điểm ngân hàng thực hiện khóa chiều ghi Có theo yêu cầu của khách hàng.
Như vậy sẽ không có tình trạng tiền treo lơ lửng và khi tài khoản được mở khoá thì tiền lúc ấy mới vào như các nghi vấn nêu ra mấy ngày qua.
Vietcombank cũng nêu nguyên tắc xử lý giao dịch, cụ thể: Đối với các giao dịch chuyển tiền trong hệ thống Vietcombank và chuyển tiền nhanh 24/7 ngoài hệ thống qua Napas thì hệ thống hiển thị thông báo cho khách hàng và chặn không cho thực hiện giao dịch.
Còn đối với các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước và các giao dịch chuyển đến từ nước ngoài thì khi Vietcombank nhận được các giao dịch chuyển đến này sẽ thực chuyển trả lại ngân hàng chuyển (để ngân hàng này chuyển tiền trả lại người chuyển tiền).
Thời gian xử lý giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua hệ thống IBPS tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và theo quy định của SWIFT/công ty chuyển tiền nước ngoài.
Liên quan tới việc làm từ thiện của các nghệ sỹ có mở tài khoản tại Vietcombank, trang fanpage của ngân hàng này nhận được tương tác "khủng" của khách hàng kể từ khi vụ việc sao kê của MC Trấn Thành đến nay.
Thậm chí, bài đăng thông tin quảng bá hình ảnh hay sản phẩm mới của Vietcombank trên trang Fanpage cũng nhận được hàng chục nghìn lượt tương tác và bình luận.
Trong vụ việc sao kê của MC Trấn Thành, Vietcombank thậm chí phải khoá tính năng bình luận khi có quá nhiều bình luận tiêu cực.
Tác giả: C.Sơn
Nguồn tin: Báo Giao thông