3 hành động bạn nên làm ngay khi thức dậy để tránh đột quỵ
- 15:09 22-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tại sao đột quỵ thường xảy ra vào sáng sớm?
Sáng sớm là thời điểm thuận lợi để đột quỵ khởi phát. Có 2 lý do giải thích cho hiện tượng này, đó là:
Thứ nhất, huyết áp tăng cao nhất vào sáng sớm. Khi huyết áp tăng cao, áp lực lên thành mạch máu lớn sẽ khiến thành mạch máu suy yếu, có thể xuất hiện những vết rạn nứt. Mỡ máu, bạch cầu trong dòng máu có thể rơi xuống các vết rạn nứt này và bám lại khiến những vách này dày lên và tạo thành mảng xơ vữa, làm hẹp thành mạch. Mảng xơ vữa rơi ra kết hợp với tiểu cầu sẽ tạo thành cục máu đông (huyết khối) – tác nhân gây ra hơn 80% số ca đột quỵ.
Thứ hai, vào sáng sớm, nồng độ nitric oxide (NO) trong cơ thể xuống thấp. Trong khi đó, NO lại là yếu tố giúp tăng dòng chảy của máu, điều khiển lưu lượng máu đến từng phần của cơ thể. Chính sự tác động này của NO làm giảm nguy cơ xuất hiện mảng bám trên thành mạch. Khi thiếu NO, nguy cơ hình thành cục máu đông tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ vào sáng sớm.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet) |
Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh đột quỵ
Khi thấy bản thân hoặc người thân có các dấu hiệu sau, bạn cần nhanh chóng nhập viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời:
- Thấy mất thăng bằng, đột ngột đau đầu dữ dội, chóng mặt, ù tai, choáng váng...
- Thị lực giảm sút
- Tay đột nhiên yếu đi, không thể cầm chắc đồ vật; Chân đi không vững...
- Rối loạn ngôn ngữ: Nói lắp bắp, nói ngọng, mọi người xung quanh không thể hiểu được bệnh nhân đang nói gì…
- Miệng méo; khi uống nước, nước sẽ rơi vãi ở một bên, không kiểm soát….
Làm gì để phòng ngừa đột quỵ?
Để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra vào lúc sáng sớm, bạn cần thực hiện 3 hành động này trước khi rời khỏi giường.
Đánh thức cơ thể một cách từ từ
Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, đừng vội bật dậy và thay quần áo ngay. Bạn nên nằm trên giường thêm 5 phút để các cơ quan của cơ thể từ từ thức dậy. Hoạt động của các cơ quan trong cơ thể là khác nhau, nên hành động bật dậy ngay lập tức hoặc ngồi dậy đột ngột khiến não bị “sốc”, dẫn tới việc máu chưa cung cấp lên não đủ, có thể dễ dàng gây xuất huyết não.
Duỗi thẳng tay chân
Thay vì mặc quần áo ngay thì bạn có thể nằm trên giường, duỗi thẳng tay chân một lúc. Sau một đêm dài nghỉ ngơi, cơ thể vẫn chưa được linh hoạt, lưu lượng máu còn chậm. Vì vậy, việc duỗi thẳng tay chân lúc này sẽ giúp tăng tốc độ lưu thông máu trong cơ thể.
Từ từ đứng dậy
Sau khi thực hiện 2 bước trên, bạn hãy từ từ đứng dậy và rời khỏi giường. Bạn sẽ cảm nhận được đầu óc lúc này rất tỉnh táo và sảng khoái. Nếu đầu óc vẫn đang “nửa tỉnh nửa mê” thì không thể bắt đầu một ngày mới làm việc hiệu quả được.
Đối với người trung niên hoặc cao tuổi, việc đứng dậy từ từ sẽ hạn chế chuyện té ngã. Do vậy, bạn cần phải đợi cho đến khi não hoàn toàn tỉnh táo, cung cấp đủ máu lên não thì mới rời khỏi giường.
Người ta thường nói buổi sáng là thời kỳ vàng của sức khỏe. Sau khi thực hiện 3 hành động trên thì việc đi vệ sinh và bổ sung 1 ly nước lọc ngay sau đó là điều nên làm. Uống một ly nước sau khi thức dậy có thể giúp làm loãng máu, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, mạch máu não, táo bón…
Bên cạnh đó, nếu có thể nên đứng cạnh cửa sổ để hít thở không khí trong lành vào buổi sáng. Đây là một thói quen tốt cần được duy trì vào buổi sáng nếu muốn có sức khỏe dẻo dai cho một ngày mới.
Tác giả: Lan Anh (t/h)
Nguồn tin: tieudung.vn