Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghệ An: Lao động tự do chờ 2 tháng vẫn không thấy tiền hỗ trợ Covid-19

Dù UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần đôn đốc nhưng kết quả thực hiện hỗ trợ người bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 vẫn còn rất thấp.

Hồ sơ gửi gần 2 tháng vẫn "chưa thấy gì"

Vợ chồng anh Nguyễn Anh Tuấn (trú ở xóm Mỹ Trung, xã Hưng Lộc, TP Vinh) thuê ốt mở quán cắt tóc ở khối Tân Phúc, phường Hưng Dũng đã 14 năm nay. Thu nhập từ nghề cầm kéo tuy không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi 2 con (lớp 1 và lớp 9) ăn học.

 Nhiều lao động tự do ở Nghệ An đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến công việc của 2 vợ chồng liên tục bị gián đoạn.

Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, vợ chồng anh Tuấn đã đóng cửa quán khoảng 3 đợt. Đến thời điểm hiện tại quán vẫn trong diện không được mở cửa. Hơn 1 tháng trời vợ chồng anh Tuấn không có việc làm.

Để có tiền sinh hoạt và cho 2 con ăn học, anh Tuấn phải xoay xở, vay mượn ông bà nội ngoại và bạn bè.

Anh Tuấn cho biết: "Cách đây 2 tháng, tôi đã làm hồ sơ để nhận hỗ trợ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo hướng dẫn của phường và tổ dân phố. Tuy nhiên, đến nay cả 2 vợ chồng vẫn chưa nhận được một đồng nào.

Tôi nghe nói, mỗi lao động được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, gia đình tôi 2 vợ chồng thì được hỗ trợ 3 triệu. Hồ sơ tôi nộp lên cho tổ dân phố 2 tháng rồi, nhưng chưa thấy tiền.

Chiều 15/9, có một người xưng là cán bộ phường điện thoại cho vợ bảo là thiếu giấy xác nhận ki ốt cắt tóc. Vợ tôi có trả lời là giấy đó đã nộp, sau một lúc kiểm tra thì người đó nói trong máy "à đây rồi"…”.

Cũng phải nghỉ việc một thời gian dài vì dịch Covid-19, nhưng đến nay anh Phạm Văn Hải (thợ xây ở xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc) cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Anh Hải cho biết: "Chưa nghe xóm, xã thông báo hay hướng dẫn hỗ trợ gì cả!".

Trên "nóng" dưới "lạnh"?

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, đến nay việc thực hiện hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 ở Nghệ An đạt kết quả rất thấp.

Đặc biệt, có nhiều địa phương đến nay vẫn chưa trình một hồ sơ nào lên để Sở LĐTB&XH thẩm duyệt.

 Một công trình mà nhóm thợ của anh Phạm Văn Hải (ở Nghi Kiều, Nghi Lộc) bị gián đoạn do địa phương thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16

Cụ thể, theo ông Vũ Xuân Long, Phó Chánh Văn phòng Sở LĐTB&XH cho biết: Tính đến sáng ngày 16/8, Sở đã phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ 9 đợt cho 6.885 đối tượng, với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Cũng theo ông Long, đến nay đã có 14 địa phương trình hồ sơ để Sở duyệt, còn lại 7 địa phương chưa trình được 1 hồ sơ nào. Tuy nhiên, ông Long lại từ chối cho biết danh sách 7 địa phương nói trên.

Với các địa phương đã thực hiện thì đến nay hiệu quả còn rất thấp. Điển hình như huyện Hưng Nguyên, tính đến sáng ngày 15/9, chỉ mới duy nhất 1 công ty trong với 72 lao động được hỗ trợ với số tiền là 130 triệu đồng.

Tương tự, ở huyện Nghi Lộc cũng có 237 đối tượng được hỗ trợ với số tiền hơn 307 triệu đồng.

Cụ thể, với nhóm ngưng việc đã có 4 doanh nghiệp với 54 lao động được hỗ trợ; nhóm tạm hoãn chưa có trường hợp nào; nhóm F1 đã có 127 trường hợp được hỗ trợ 169 triệu đồng; nhóm lao động tự do 56 trường hợp với 84 triệu đồng.

Trước thực tế này, bà Dương Thị Thanh Nhàn, Phó Phòng LĐTB&XH huyện Hưng Nguyên và bà Nguyễn Thị Lộc – Phó Phòng LĐTB&XH huyện Nghi Lộc cùng cho biết: Sau khi nhận được các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã ban hành kế hoạch, thành lập các tổ, nhóm… để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua địa phương vừa thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nên người dân không làm hồ sơ sớm được.

“Bên cạnh đó, đối với lao động tự do, theo quy định phải niêm yết công khai danh sách người được hỗ trợ tại địa phương 5 – 7 ngày để người dân giám sát nên đến nay số lượng người được hỗ trợ vẫn còn thấp. Hiện có 1 số xã đang hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị nộp lên phòng”, bà Nhàn cho biết thêm.

Ông Vũ Xuân Long cho biết thêm, đến nay, UBND tỉnh đã có 2 văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ. Trong văn bản, tỉnh cũng đã nhắc đích danh và phê bình các địa phương chậm triển khai.

Trước câu hỏi, phải chăng đang xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong việc thực hiện chủ trương này thì ông Long lại phủ nhận và giải thích: "Nguyên nhân do vừa qua nhiều địa phương thực hiện giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 nên nhiều việc bị chậm hơn so với kế hoạch".

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông