Mỹ, Anh, Australia công bố thỏa thuận quốc phòng lịch sử ở Thái Bình Dương
- 07:11 16-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia trong buổi công bố thỏa thuận hợp tác (Ảnh: EPA). |
Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến công bố thỏa thuận hợp tác an ninh-quốc phòng mới giữa 3 quốc gia.
"Hôm nay, chúng ta tiến thêm một bước nhằm làm sâu sắc thêm và chính thức hóa hợp tác giữa 3 quốc gia, bởi chúng ta đều ý thức được sự cấp bách của việc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về lâu dài. Sáng kiến này là nhằm bảo đảm mỗi quốc gia chúng ta đều có năng lực hiện đại nhất mà chúng ta cần sử dụng để chống lại những mối đe dọa đang tiến triển nhanh chóng", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khi công bố thỏa thuận hợp tác an ninh bước ngoặt giữa Mỹ, Anh và Australia.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, theo thỏa thuận an ninh 3 bên có tên "Aukus" (Mỹ - Anh - Australia), giới chức hàng hải, các chuyên gia kỹ thuật của 3 nước này sẽ hợp tác trong vòng 18 tháng tới để giúp Australia tiếp cận công nghệ hạt nhân, cho phép Australia triển khai tàu ngầm hạt nhân, giúp nâng cao năng lực răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiện chưa rõ số phận hợp đồng chế tạo tàu ngầm trị giá 90 tỷ USD của Australia với Pháp sẽ ra sao sau thỏa thuận trên.
Ngoài ra, 3 nước cũng hợp tác trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo, toán lượng tử và năng lực tàu ngầm vào các hoạt động quân sự của họ.
"Đây là một thỏa thuận lịch sử. Nó cho thấy quyết tâm của chính quyền Tổng thống Biden xây dựng một liên minh mạnh mẽ hơn nhằm duy trì hòa bình và ổn đỉnh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", một quan chức cấp cao của Mỹ nói.
Khi được hỏi liệu thỏa thuận Aukus nhằm đối phó với sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc hay không, quan chức này nói rằng thỏa thuận "không nhằm vào bất cứ quốc gia nào" mà chỉ nhằm "thúc đẩy các lợi ích chiến lược, duy trì trật tự dựa trên pháp luật và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở khu vực".
Tuy nhiên, bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình châu Á tại Quỹ Marshall ở Mỹ, nhận định: "Bắc Kinh sẽ coi đây là một phần trong nỗ lực của Mỹ lập liên minh nhằm đối phó Trung Quốc".
Kể từ khi nhậm chức, ông Biden đã đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác địa chính trị khác, trong đó có nỗ lực thúc đẩy quan hệ với NATO, G7 và lập Bộ tứ Kim cương (QUAD). Dự kiến, tuần tới, Tổng thống Biden sẽ tiếp các lãnh đạo Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của QUAD tại Nhà Trắng.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh, việc ông Biden chủ trì cuộc họp trực tiếp của QUAD thể hiện ưu tiên của chính quyền Washington đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực tây Thái Bình Dương ngày càng leo thang. Mới đây, Mỹ đã bác bỏ quy định hàng hải mới của Trung Quốc yêu cầu tất cả tàu nước ngoài phải khai báo thông tin khi đi vào khu vực mà Bắc Kinh gọi là "vùng lãnh hải của Trung Quốc".
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí