Doanh nghiệp cạn tiền trả lương, ngóng ngày TPHCM mở cửa
- 17:18 09-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
15/9 đang là mốc thời gian được các chủ doanh nghiệp tại TPHCM hồi hộp chờ đợi. Thành phố sẽ nới lỏng hay tiếp tục siết chặt giãn cách? Doanh nghiệp nào được hoạt động? Người lao động, doanh nghiệp đang chờ câu trả lời cho những câu hỏi này.
Tuy nhiên, trong chương trình đối thoại trực tuyến "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 6/9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ việc nới lỏng giãn cách sẽ phụ thuộc vào chuyển biến của tình hình dịch bệnh. "Chúng ta chưa thể đưa ra một mốc thời gian cụ thể nào", người đứng đầu chính quyền TPHCM nói.
Cần lộ trình mở cửa cụ thể của TPHCM
Nhắc lại kế hoạch bổ sung thêm người lao động vào nhà máy nhưng bất thành sau chủ trương siết chặt giãn cách từ ngày 23/8, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Công ty Thành Công) - ông Trần Như Tùng mong muốn TPHCM tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất trong điều kiện phòng chống dịch.
Theo ông Tùng, chính quyền thành phố nên tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất an toàn. TPHCM sẽ cử lực lượng kiểm tra và doanh nghiệp cam kết thực hiện. Doanh nghiệp sẽ bổ sung dần lao động nhưng có khu cách ly riêng cho các nhóm mới vào, sau khi xét nghiệm, sàng lọc đảm bảo an toàn mới gộp chung sản xuất.
Chủ tịch Thành Công nhấn mạnh chỉ có bổ sung lực lượng lao động mới giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất, vượt qua khó khăn, người lao động cũng có thu nhập duy trì cuộc sống. "Cứ kéo dài mãi thế này, doanh nghiệp không còn tiền trả lương", ông nhấn mạnh.
Tại Công ty TNHH May mặc Dony, Giám đốc Phạm Quang Anh cho biết qua khảo sát sơ bộ, 100% công nhân của mình vẫn đang ở TPHCM. Do đó, ngoại trừ một số nhân viên có thể là F0, F1 hay ở trong khu cách ly, phong tỏa, ông tự tin doanh nghiệp có thể khôi phục 80-90% công suất nếu các điều kiện sản xuất được nới lỏng.
Doanh nghiệp chờ đợi mốc 15/9 với hy vọng đưa công nhân trở lại sản xuất (Ảnh: Nguyệt Nhi). |
Tuy nhiên, ông thận trọng cho rằng nới lỏng giãn cách, quá trình mở cửa sẽ diễn ra dần dần và ước tính công ty của mình khôi phục được 50% công suất đã là tốt. Ông mong muốn TPHCM sớm công bố lộ trình, kế hoạch mở cửa rõ ràng để doanh nghiệp chuẩn bị. Chủ công ty may này cho biết không thể xoay xở nếu tiếp diễn tình trạng sau mỗi 2 tuần lại phải thấp thỏm chờ đợi hướng dẫn mới.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, chia sẻ nhiều doanh nghiệp đang có chung hy vọng ngày 15/9 tới, TPHCM sẽ cơ bản khống chế được dịch và người lao động có thể đi làm trở lại.
"Nếu hoạt động lại, công nhân dệt may sẽ phải tăng ca 3 buổi/tuần (mỗi buổi 2 tiếng) để bù lại thời gian nghỉ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khôi phục sản xuất được khoảng 60%. Nếu 15/9 chưa được sản xuất lại, nguy cơ ngành dệt may bị bỏ đơn hàng sẽ rất lớn. Đặc biệt, đời sống công nhân, người lao động sẽ càng khó khăn hơn", ông Việt nói.
Ông đồng thời bày tỏ mong muốn chung của ngành dệt may là tiếp cận được các nguồn cho vay để trả lương người lao động. Chính sách liên quan dù hiện đã nới lỏng điều kiện nhưng hiện nay gần như doanh nghiệp dệt may chưa thể tiếp cận do vẫn còn nhiều thủ tục.
Nhấn mạnh tình hình đa số công nhân đang gặp khó khăn khi phải giãn cách kéo dài, ông cho rằng thành phố sẽ khó giữ chân lực lượng lao động nếu các chính sách an sinh không được thực hiện quyết liệt ngay lập tức. Theo ông Việt, cần có phương án hỗ trợ ngay tiền nhà, tiền điện, nước cho công nhân khó khăn.
Không đi làm, mất thu nhập, khó khăn bủa vây người công nhân (Ảnh: Nguyệt Nhi). |
Mong muốn được tin tưởng...
Không chỉ ngành dệt may, các hiệp hội doanh nghiệp khác đều đang thấp thỏm chờ đợi mốc 15/9.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TPHCM cho biết trong 2 tuần siết chặt giãn cách, việc sản xuất của các doanh nghiệp trong hội vô cùng căng thẳng. Do việc đi lại trong thành phố bị hạn chế đến mức tối thiểu, doanh nghiệp sản xuất xong cũng khó giao hàng. Việc vận chuyển nguyên vật liệu, vật tư, phụ tùng cũng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng tạm đóng cửa.
Công ty vì vậy không có đủ việc cho công nhân làm, tình trạng sản xuất lưng chừng, chi phí cao nhưng hiệu suất làm việc thấp. Tuy nhiên, công ty muốn cho công nhân nghỉ, về lại nhà cũng không được vì không có giấy đi đường.
Ông Tống mong muốn TPHCM tin tưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi lại dễ dàng, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo ông, bản thân các doanh nghiệp đều ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ người lao động an toàn để duy trì sản xuất.
Một doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao (TP Thủ Đức) tổ chức cho công nhân ăn ở tập trung từ đầu tháng 7 (Ảnh: Hải Long). |
Ông Tống cho biết các doanh nghiệp tổ chức sản xuất rất kỹ lưỡng, quản lý, nhắc nhở từng công nhân tuân thủ đúng quy trình phòng, chống dịch trong giao tiếp, làm việc, giao nhận hàng với đối tác, xét nghiệm định kỳ. Ngược lại, công nhân không đi làm, ở nhà dài ngày lại có nguy cơ lây nhiễm ở khu dân cư, doanh nghiệp không thể quản lý.
"Bây giờ buộc phải chấp nhận rủi ro, tìm cách thích ứng, giải pháp tối ưu nhất", ông Tống chia sẻ quan điểm.
Ông đồng thời nhấn mạnh chính quyền các cấp cần chia sẻ với doanh nghiệp, không nên tạo áp lực như việc yêu cầu doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có F0 khi tổ chức sản xuất.
"Chủ doanh nghiệp lo cho công nhân như con"
Tương tự, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết do việc cấp giấy đi đường rất hạn chế, các doanh nghiệp thuộc HAWA tại TPHCM trong thời gian siết chặt giãn cách hầu như không hoạt động, ở trong tình trạng tê liệt. Phần lớn các doanh nghiệp gỗ lại không nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố mà nằm rải rác tại các quận, huyện ngoại thành là "vùng đỏ" nên càng khó khăn.
"Không biết sắp tới có chỉ thị gì mới không. Doanh nghiệp bây giờ nói đùa là sống theo chỉ thị, sống theo hy vọng", ông Phương chia sẻ.
Hy vọng sau mốc 15/9, TPHCM sẽ nới lỏng giãn cách, các điều kiện sản xuất, nhưng ông Phương cho biết doanh nghiệp cũng khó khôi phục ngay 100% hoạt động khi đối diện nhiều vấn đề căng thẳng, đặc biệt là lao động.
Kinh nghiệm tại nhiều nước đều cho thấy lao động sẽ thiếu hụt sau đại dịch. Tại TPHCM, ông Phương lo ngại khi nhiều lao động đã về quê. Với nguồn nhân lực còn ở lại, doanh nghiệp cũng phải giải bài toán phức tạp về vấn đề tổ chức lại chỗ ở cho công nhân.
Theo ông Phương, để sản xuất trở lại an toàn, nhiều công ty đang tính đến việc phối hợp với chủ nhà trọ bố trí lại chỗ ở cho công nhân theo hướng người lao động của từng công ty ở chung với nhau. Thực tế chỉ ra người đã tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ lây nhiễm nên nếu người lao động của nhiều công ty khác nhau ở chung có thể tạo ra rủi ro.
Tái bố trí nơi ở an toàn cho công nhân là bài toàn khó đang chờ đợi doanh nghiệp khi khôi phục sản xuất (Ảnh: Phạm Nguyễn). |
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ còn phải tính toán lại nhiều vấn đề khác như tiêm vắc xin mũi 2, xét nghiệm, phương tiện đi lại, tuyển dụng mới. Đặc biệt, các doanh nghiệp tạm nghỉ thời gian qua, chưa thực hiện "3 tại chỗ" sẽ chưa có nhiều kinh nghiệm để tổ chức sản xuất an toàn. Do đó, doanh nghiệp không thể hồi phục ngay khi sản xuất trở lại.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, ông Phương cho rằng song song với các cấp chính quyền đang trực tiếp phòng chống dịch, những tổ chức như Tổng Liên đoàn Lao động, Bảo hiểm Xã hội phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp.
Mới đây, 14 hiệp hội, trong đó có HAWA, đã đồng kiến nghị miễn đóng phí công đoàn (2% quỹ lương) đến cuối năm 2021 tại các khu vực áp dụng Chỉ thị 16. Song song đó, ông than phiền hiện tại Bảo hiểm Xã hội đang giải quyết còn chậm với hồ sơ chi trả hỗ trợ cho người lao động phải ngừng việc vì dịch Covid-19. Trong khi đó, những người lao động phải ngừng việc đa số có thu nhập thấp, đang rất khó khăn.
"Chủ doanh nghiệp thương công nhân như con, lo từng mũi vắc xin", ông nhấn mạnh tâm tư lúc này của cộng đồng doanh nghiệp.
|
Tác giả: Việt Đức - Xuân Hinh
Nguồn tin: Báo Dân trí