Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bão Côn Sơn có thể quần thảo nhiều ngày ở Hoàng Sa trước khi vào Vịnh Bắc Bộ

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão Côn Sơn có thể quần thảo nhiều ngày ở quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) trước khi tiến về vịnh Bắc Bộ. Trong khi đó, nhận định về cường độ và đường đi của bão Côn Sơn giữa các trung tâm dự báo quốc tế còn rất phân tán.

 Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Vào 10 giờ sáng nay (9/9), tâm bão Côn Sơn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão Côn Sơn, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió xoáy cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4-6m, biển động dữ dội.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sau khi đi vào Biển Đông lúc 22 giờ đêm qua (8/9), bão Côn Sơn đã di chuyển rất nhanh với tốc độ khoảng 15-20km/giờ theo hướng Tây Tây Bắc về phía quần đảo Hoàng Sa.

 Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng của bão Côn Sơn theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Tuy nhiên, những nhận định xa hơn về cường độ và đường đi của bão Côn Sơn hiện đang phân tán giữa các trung tâm dự báo lớn trên thế giới. Một số trung tâm nhận định, bão Côn Sơn sẽ đi vào ven biển đảo Hải Nam (Trung Quốc), có dự báo nhận định bão sẽ vào vùng biển Thanh Hóa – Nghệ An. Đài khí tượng của Nhật Bản dự báo bão có thể đi vào Bắc và Trung Trung Bộ. Trong khi cũng có nhận định bão Côn Sơn sẽ đi xuống phía Nam, có thể vào đến Đà Nẵng.

“Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, khi tiến gần quần đảo Hoàng Sa, do tương tác với cơn bão rất mạnh Chanthu, bão Côn Sơn sẽ di chuyển rất chậm ở khu vực Hoàng Sa trong nhiều ngày, trước khi đi vào Vịnh Bắc Bộ”.

Với nhận định trên, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ tới, bão Côn Sơn di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 10/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 11/9, tâm bão ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 10 giờ ngày 12/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 13.

Trong 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, diễn biến của bão Côn Sơn sẽ rất phức tạp trong những ngày tới, do sự tương tác với siêu bão Chanthu ngoài khơi Philippines. Ngoài ra, trên ảnh mây vệ tinh cho thấy, ngoài cơn bão Chanthu, ngoài khơi Philippines cũng xuất hiện thêm một vùng thấp. Sự tương tác giữa bão Côn Sơn, bão Chanthu và vùng thấp này sẽ ảnh hưởng đến đường đi và cường độ của bão.

Bão Côn Sơn hình thành từ một áp thấp nhiệt đới ở vùng biển miền Trung của Philippines, mạnh lên thành bão vào chiều ngày 6/9. Cơ quan khí tượng nhận định, đây là cơn bão mạnh, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Sau bão Côn Sơn, trong tháng 9/2021, khả năng xuất hiện 1-2 xoáy thuận nhiệt đới (gồm bão hoặc áp thấp nhiệt đới) hoạt động trên khu vực Biển Đông. Dự báo xa hơn, từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Tác giả: Nguyễn Hoài

Nguồn tin: Báo Tiền Phong