Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bộ GD-ĐT đề nghị hỗ trợ băng thông, giảm giá cước Internet học trực tuyến

Ngày 7/9, Bộ GD-ĐT có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ dạy học trực tuyến, trong đó mở rộng băng thông, miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo.

Theo nội dung công văn, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là cước Internet 3G, 4G; giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số; ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.

 Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông hỗ trợ băng thông, giảm giá cước Internet học trực tuyến.

Được biết, nhân dịp học sinh cả nước chuẩn bị bước vào năm học mới 2021-2022, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương có bài viết về chuyển đổi số giáo dục.

Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số giáo dục thì đầu tiên là cần một hạ tầng số băng thông rộng đến từng người dân và từng hộ gia đình. Hiện nay còn gần 2.000 điểm lõm sóng trên toàn quốc, Bộ TT&TT đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ không còn điểm lõm sóng.

Cuối năm nay, các tỉnh cũng đang phấn đấu mỗi hộ gia đình ít nhất một điện thoại thông minh, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa. Sang đầu năm 2023 thì 100% người dân sẽ chuyển sang dùng điện thoại thông minh.

Trước năm 2025 thì cơ bản mỗi hộ gia đình một đường internet cáp quang siêu băng rộng. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam luôn có giá ưu đãi đặc biệt cho giáo dục từ nhiều năm qua.

Chiến lược Hạ tầng số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành năm nay đặt mục tiêu Việt Nam lọt vào top 30 thế giới trước năm 2025. Đây là một nỗ lực vô cùng to lớn của Ngành TT&TT đóng góp cho sự phát triển của đất nước, trong đó có Ngành Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng cho rằng, phát triển nhanh và bền vững thì giải pháp phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay là phát triển số, vì nó tiêu tốn ít tài nguyên nhất. Các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tập trung chủ yếu cho phát triển số.

Đổi mới sáng tạo thì cũng chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ số. Phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ 21. Quốc gia nào, ngành nào muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng thì phải tận dụng cơ hội này. Nhưng phải là đi trước người khác, đi trước quốc gia khác.

Nếu phải chọn một cái để đột phá trong giai đoạn 5 năm tới thì Ngành Giáo dục và Đào tạo rất nên cân nhắc chọn chuyển đổi số, coi đây là giải pháp lâu dài, mang tính chiến lược chứ không phải là giải pháp tình huống ứng phó với Covid.

Công nghệ số và chuyển đổi số có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề kéo dài của Ngành Giáo dục và Đào tạo. Và Bộ TT&TT xin được đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công cuộc chuyển đổi số.

"Lời giải chính cho chuyển đổi số giáo dục là các nền tảng số dùng chung. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chủ trương đổi mới nhưng thiếu một công cụ thực thi hiệu quả.

Cuộc cách mạng số đã mang đến cho Ngành một công cụ có tính cách mạng, đó là các platforms dùng chung toàn quốc. Và không chỉ là thực thi hiệu quả, nó còn cho phép Ngành có những cải cách mạnh mẽ và triệt để hơn nữa. Mỗi một nhu cầu sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số.

Và nếu nhìn theo góc này, thì nhà trường, nhất là ở bậc đại học, ngày càng giống một doanh nghiệp công nghệ hơn là một trường học truyền thống. Và thực sự, nhà trường sẽ phải phát triển công nghệ và nội dung để dạy học. Nhưng nhà trường sẽ làm việc này bằng cách hợp tác với các công ty công nghệ để đưa tri thức và phương pháp dạy học của mình lên các nền tảng số" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí