Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sau 2 ngày học online bị 'treo' liên tục, cô trò đều 'mệt lả'

Sau hai ngày chính thức bước vào năm học mới bằng hình thức học online, giáo viên và học sinh cả nước đã vấp phải sự cố đường truyền, hệ thống học trực tuyến chập chờn, bị "treo", ra- vào liên tục...

 Vì nghẽn mạng, nhiều học sinh không vào được mạng đành sang nhà bạn học cùng nhau. Ảnh: Đỗ Hợp

Học sinh, giáo viên thi nhau “rớt mạng”

Từ sáng 6/9, hàng triệu học sinh trong cả nước chính thức bước vào năm học thông qua hình thức học online.

Nhiều giáo viên, học sinh tại các địa phương như Hà Nội, TPHCM phản ánh, trong ngày đầu học sinh các bậc học bước vào buổi học chính thức đã gặp phải sự cố hệ thống đường truyền tải dữ liệu bị chập chờn, liên tục bị treo, rớt... Việc dạy và học trong những ngày đầu thực sự gặp nhiều khó khăn và ít hiệu quả.

Tại TP.HCM, với phần mềm K12 Online - một trong những hệ thống học online đã được Sở GD&ĐT TPHCM thẩm định - được nhiều trường sử dụng liên tục bị chập chờn, treo. Tương tự, giáo viên dạy trên Google Meet cũng có gặp cảnh tương tự.

Tại nhiều trường, giáo viên lẫn học sinh thậm chí không "vào lớp" được. Có trường hợp vào lớp được, nhưng khi giáo viên bắt đầu dạy thì đường truyền tải dữ liệu lại "đứng hình" nên đành ngưng tiết học. Nhiều lớp giáo viên đành "chữa cháy" bằng cách chuyển thầy trò sang phần mềm dự phòng.

Cô Đỗ Thùy Dung, giáo viên một trường Tiểu học ở Hà Đông, Hà Nội cho rằng, trong sáng 6/9, lớp học 30 bạn thì có tới 5-6 bạn trong không vào được mạng, các học sinh khác thì vào chập chờn. Cô vừa phải hướng dẫn với học sinh, vừa phải trả lời với phụ huynh trên nhóm lớp, vừa phải giữ ổn định trật tự vì có học sinh hét, khóc lóc khiến cô.. mệt lả.

Cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên dạy địa lý tại TP.HCM cho rằng, hai ngày nay việc dạy online đều bị giựt, không ổn định. Hôm đầu tiên 6/9, trong buổi dạy tại lớp 9, vào lớp tới 15 phút mới vào lớp ổn định đượcc vì cứ vào là bị thoát ra mấy lần như vậy đó.

Cũng theo cô Hiệp, trong thời gian dạy thỉnh thoảng cũng có một số em học bị rớt ra khỏi lớp rồi phải vào lớp lại. Vì thế, giáo viên phải chú ý và canh để duyệt cho các em vào lớp nên cũng mất thêm thời gian và giảng dạy bài cũng gián đoạn. Cũng có lúc mạng yếu tiếng nói giáo viên thế là phải giảng lại cho học sinh.

“Đấy là trường tôi quy định dạy trên Google Meet . Một số đồng nghiệp ở trường khác chia sẻ, họ dạy trên K 12 online là rớt còn thê thảm hơn không truy cập vào lớp được”- Cô Hiệp chia sẻ.

Cô Hiệp cho rằng dạy trực tuyến là cũng biết trước và xác định là mạng sẽ không ổn định nên cô cũng chuẩn bị tâm thế là kèm một điện thoại mua mạng 4G dung lượng mạnh để trừong hợp khẩn cấp thì chữa cháy được.

Cô Hiệp cho rằng, học sinh những lớp cô dạy cơ bản các em cũng có sách giáo khoa, chỉ còn thiếu một vài công cụ hỗ trợ như tập bản đồ và Atlat nhưng cô cũng chuẩn bị trước là cung cấp cho các file PDF tập bản đồ, Atlat các khối lớp đưa lên trang lophoc.hcm của trường để cho hoc sinh tải về học

“Vấn đề lo lắng nhất của giáo viên và học sinh là mạng wifi không ổn định thì sẽ khó khăn cho việc giảng dạy và học tập trực tuyến”- cô Hiệp nói.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM cho rằng, những khó khăn với cô trò trong giai đoạn này thì nhiều.

Cô Thảo cho rằng, dù có đây đủ phương tiện học đi chăng nữa nhưng không phải gia đình nào cũng có không gian riêng cho con, em mình học. Tiếng ồn, tiếng sinh hoạt của gia đình vẫn vang lên trong các buổi học của các em. Đây là vấn đề chung khiến cả cô và trò càng mệt.

Mặt khác, theo cô Huyền Thảo, giáo viên cũng khó khăn không kém khi chưa có không gian làm việc tại nhà. Một số thầy cô trẻ còn ở phòng trò, thuê nhà nên dạy học cũng khó khăn rất nhiều.

Giáo viên cả ngày online hướng dẫn các con

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TP. HCM, chỉ ra một thực tế, học sinh con thì nhanh tiếp thu và sử dụng công nghệ. Nhưng một số phụ huynh hầu như không biết hướng dẫn con thao tác và cứ giao cho cô chỉ cho các con nên vô hình chung cô rất vất vả.

Ngoài ra, theo cô Thảo, trong điều kiện hiện nay, các cô còn phụ trách phân phối sách giáo khoa cho các con thông qua phụ huynh thu tiền giúp nên giáo viên chủ nhiệm thật sự rât nhiều việc và mệt.

"Nhiều lớp nhất là các lớp ở tiểu học giáo viên cả ngày online trả lời phụ huynh và hướng dẫn các con"- cô Huyền Thảo chia sẻ.

Cô Võ Thị Kim Hiệp cho rằng, vấn đề lo lắng nhất của giáo viên và học sinh hiện nay là mạng wifi không ổn định thì sẽ khó khăn cho việc giảng dạy và học tập trực tuyến.

“Mong sao các cơ quan chức năng cải thiện nâng cấp hệ thống mạng tốt hơn, giúp cho công tác giáo dục trực tuyến được thuận lợi”- Cô Hiệp đề nghị

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ, sự cố quá tải đường truyền sáng 6/9, Sở đã nắm được.

Vì trong sáng ngày 6/9, gần cả triệu học sinh cùng vào học, đây là tình huống đã được lường trước và khắc phục ngay. Ngay khi nắm thông tin, Sở GD&ĐT TP HCM đã trao đổi với phía công viên phần mềm Quang Trung, nâng cấp dữ liệu đường truyền lên 50%.

Mặt khác, cũng theo ông Hiếu, hiện nay mỗi trường học đều có 2 đường truyền khác nhau, nên nếu một đường truyền gặp sự cố, sẽ có đường truyền còn lại.

“Phía Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục làm việc với Sở Thông tin Truyền thông TPHCM để nâng cấp đường truyền theo hướng lâu dài”- ông Hiếu nói.

Ngày 7/9, Bộ GD&ĐT có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ dạy học trực tuyến, trong đó mở rộng băng thông, miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo.

Theo nội dung công văn, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.

Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là cước Internet 3G, 4G; giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số; ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.

Tác giả: Đỗ Hợp

Nguồn tin: Báo Tiền Phong