Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phụ huynh lo lắng khi con em vẫn “mắc kẹt” vì Covid-19

Không ở bên con để kèm cặp, cộng thêm việc thiếu các dụng cụ, trang thiết bị cần thiết, đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng khi con em mình đang “mắc kẹt” do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 Ảnh minh họa

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, trước đó vợ chồng anh đưa 2 con về quê để chơi với ông bà ngoại. Thời gian vừa qua, Hà Nội liên tục giãn cách xã hội, khiến 2 con của anh chưa thể trở lại Hà Nội.

“Tôi đã xin cho con gái lớn tạm theo học lớp 8 ở quê. Cháu học lớp 4, thì học online theo chương trình của Hà Nội. Tuy nhiên, mạng internet ở quê còn hạn chế, sáng nay khi học online, cháu không thể vào được zoom, ông bà thì lớn tuổi không hỗ trợ được gì, khiến tôi rất lo lắng”, anh Tuấn nói.

Theo anh Nguyễn Văn Nam (Thanh Trì – Hà Nội): “Con gái tôi hiện vẫn ở quê, nhưng đang học online ở Hà Nội. Vài ngày trước, dù không có điều kiện, nhưng tôi đã phải vay tiền gửi về quê để mua máy tính cho con học.

Năm nay, là năm đầu cấp của con, thời gian này lại không gần bố mẹ khiến vợ chồng tôi rất lo. Mong dịch sớm qua đi, để tôi có thể đón cháu lên Hà Nội, bảo ban cháu học hành”.

Anh Phạm Trọng Tùng (Thanh Xuân – Hà Nội) cho chia sẻ, tranh thủ dịp nghỉ hè, em gái anh từ Nam Định lên chơi với gia đình, dịch bệnh bùng phát, nên đến giờ chưa thể về quê để đi học.

“Em tôi học lớp 11, để ứng phó với tình hình hiện tại, tôi đã xin cho em học nửa kỳ đầu vào một trường THPT trên địa bàn quận. Mặc dù nhà trường rất tạo điều kiện, nhưng tôi vẫn rất lo lắng vì em gái mình không quen môi trường trên thành phố. Việc học trực tuyến cũng là một rào cản cản lớn, bởi ở Nam Định học sinh thường quen với học trực tiếp”, anh Tùng nói.

Theo chị Dương Thị Thi (Hoài Đức – Hà Nội), cháu trai chị là Dương Minh Quân, học sinh lớp 12 tại Thanh Hóa đến giờ vẫn đang “mặc kẹt” ngay tại Hà Nội. Ngày 5/9, chị Thi mới bắt đầu làm đơn xin học ở một trường THPT trên địa bàn. Nhưng vẫn chưa được trường tiếp nhận.

“Nhà trường cho biết phải chờ cấp trên đồng ý mới có thể cho cháu theo học được. Tôi rất lo lắng, vì hôm nay đã là ngày đầu tiên học sinh bắt đầu năm học mới”, chị Thi nói.

Theo ông Phan Ngọc Anh – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức – Hà Nội, trên địa bàn chỉ ghi nhận một vài trường hợp học sinh các tỉnh xin học tạm thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa thể về quê.

Đối với những trường hợp này, phụ huynh học sinh sẽ phải làm đơn theo mẫu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, gửi về trường học nơi con em mình đang thường trú trên địa bàn.

Sau khi được tiếp nhận, trường sẽ bố trí học sinh vào lớp học online phù hợp. Khi hết dịch, trường sẽ xác nhận kết quả quá trình học tập để trả về địa phương cho người học.

“Các trường rất tạo điều kiện theo tinh thần chung, phụ huynh học sinh cần liên hệ với các nhà trường để được hướng dẫn chụ thể, chi tiết”, ông Anh thông tin.

Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị việc tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh không thể quay lại trường cũ do dịch Covid-19 được học tập tại nơi cư trú. Bộ đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường.

Bên cạnh đó, phối hợp với các địa phương, nhà trường nơi học sinh có nguyện vọng chuyển đi và chuyển đến (bằng văn bản gửi qua email hoặc hệ thống quản lý văn bản điện tử e-office) để tiếp nhận và bố trí, xếp lớp cho học sinh học tập theo đúng đối tượng...

Tác giả: Hoàng Sơn

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại