G20 hứa giúp các nước nghèo đối phó COVID, nhưng không có cam kết cụ thể nào
- 09:15 07-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza. (Ảnh: Reuters) |
Là nước chủ nhà của thượng đỉnh G20 năm nay, Italy nói sau hội nghị cấp bộ trưởng y tế rằng “Thỏa thuận Rome” bao gồm sự thống nhất chính trị về việc tăng cường hỗ trợ các nước nghèo và cung cấp thêm vắc-xin cho họ.
“Mức độ bất bình đẳng vắc-xin quá cao và không bền vững”, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nói với báo chí.
“Nếu chúng ta để một phần của thế giới thiếu vắc-xin, chúng ta sẽ đối mặt với những biến chủng mới và cuối cùng chúng ta sẽ bị tổn thương…Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: không được để ai lại phía sau trong chiến dịch tiêm vắc-xin”, ông Speranza nói.
Vắc-xin đang được chuyển cho các nước nghèo thông qua chương trình COVAX được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vắc-xin toàn cầu (GAVI) hậu thuẫn.
Tuy nhiên, các nước giàu có đang bị chỉ trích vì tích trữ vắc-xin, còn nhiều nước nghèo chật vật không mua được trong khi tỷ lệ tiêm cho dân số vẫn rất thấp và số ca mắc tăng mạnh.
“Những nước mạnh nhất…cam kết đầu tư nguồn lực đáng kể và đưa vắc-xin đến những nơi dễ bị tổn thương nhất…Chúng ta cần tăng cường hệ thống song phương và thông qua các cơ chế quốc tế bắt đầu từ COVAX”, ông Speranza nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu G20 có đưa ra cam kết tài chính cụ thể nào không, ông Speranza nói rằng những cam kết như vậy có nguy cơ trở thành “chiếc áo lót”, và điều quan trọng là đặt ra “mục tiêu chính trị” cho tiêm chủng toàn cầu.
Tuyên bố dài 11 trang được đưa ra sau hội nghị không nói đến cam kết tài chính nào, nhưng ông Speranza nói rằng cam kết cụ thể có thể được đưa ra tại hội nghị các bộ trưởng y tế và tài chính của G20 vào tháng 10.
Theo số liệu của GAVI, mới có 230 triệu liều vắc-xin được đưa đến 139 quốc gia thông qua COVAX, trong khi mục tiêu đề ra là bảo đảm 2 tỷ liều cho các quốc gia thu nhập thấp vào cuối năm 2021.
Ông Speranza nhấn mạnh rằng các nước nghèo cũng cần được giúp đỡ để tự sản xuất vắc-xin trong nước. “Chuyển vắc-xin cho họ là không đủ. Chúng ta phải giúp các khu vực còn lại của thế giới có thể sản xuất, bằng cách chia sẻ phương pháp và quy trình”, ông nói.
Tác giả: Bình Giang
Nguồn tin: Báo Tiền Phong