Khó chồng khó, doanh nghiệp ở Nghệ An làm gì để ‘trụ hạng’?
- 09:25 06-09-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà máy máy An Hưng tại huyện Yên Thành (Nghệ An). Ảnh Văn Dũng |
Thời gian qua, do phải thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải điều chỉnh quy mô sản xuất, cắt giảm lao động; bố trí lao động ăn, nghỉ tập trung tại nhà máy, làm việc trực tuyến tại nhà...
Hiện, nhiều doanh nghiệp đang phải gồng mình vì các khoản chi phí tăng cao lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng, gây áp lực rất lớn về nguồn tài chính vì ngoài việc phải bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch thì các doanh nghiệp còn phải đảm bảo thực hiện tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 định kỳ, hỗ trợ người lao động trong thời gian nghỉ việc…
Để phòng, chống dịch hiệu quả vừa phải “trụ hạng” thành công, đây là một vấn đề rất nan giải đối với các doanh nghiệp ở Nghệ An trong giai đoạn hiện nay.
Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Nhân sự - Trưởng ban phòng chống COVID-19 CTCP Tập đoàn An Hưng (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, có gần 1.900 công nhân) cho biết, để phòng, chống dịch bệnh công ty đã có nhiều phương án như: Tất cả người lao động phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi vào nhà máy; chuyển ăn cơm tập trung bằng mâm sang bằng khay cho người lao động; phát loa tự động tuyên truyền phòng chống dịch liên tục trong ngày, cập nhật thông tin tình hình dịch trên địa bàn để người lao động theo dõi…
Theo ông Dũng, khi có dịch xuất hiện tại địa phương và chính quyền thực hiện giãn cách xã hội, công ty đã triển khai ngay phương án “3 tại chỗ” cho toàn bộ người lao động. “Chúng tôi khuyến cáo người lao động khi có tiếp xúc với F0, F1 thì chủ động khai báo y tế đầy đủ, công ty sẽ cho ở nhà và trả lương đầy đủ để người lao động yên tâm, không trốn tránh”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, tuy nhiên, hiện công ty vẫn đang đảm bảo kế hoạch đề ra của năm.
Một góc nhà ăn của công nhân CTCP Tập đoàn An Hưng khi chưa bùng phát dịch bệnh. Ảnh: Văn Dũng |
Ông Trần Đức Danh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trường An (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng; vận tải; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng top đầu ở Nghệ An) cho hay, dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và đời sống của người lao động trong công ty như: Doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất ở một số chi nhánh nằm trong vùng dịch, người lao động phải nghỉ làm vì cách ly, chi phí thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch…
Theo ông Danh, công ty ông có gần 400 lao động, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội chỉ cho 20% nhân viên đi làm tại trụ sở và các công trình. Do đặc thù công việc phải đi trên đường nhiều nên hầu hết toàn bộ người lao động đi làm đều được công ty mời trung tâm y tế về test nhanh COVID-19 tại trụ sở với tần suất 3 ngày/lần, và thực hiện phòng chống dịch theo đúng quy định, do vậy, người lao động cũng yên tâm sản xuất và doanh nghiệp có một số nguồn thu để cầm cự.
Ông Danh cho rằng, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì không chỉ công ty của ông mà hàng loạt công ty khác trên địa bàn sẽ khó khăn chồng chất khó khăn vì sản phẩm thì không có mà chi phí thì quá nhiều.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc CTCP xây dựng và vận tải Tám Tài (doanh nghiệp có nhiều nhà máy gạch tuynel lớn trên địa bàn và có gần 400 lao động) chia sẻ, đại dịch COVID-19 diễn biến kéo dài, hết sức phức tạp và khó lường đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ sụt giảm rõ rệt, nhưng hàng tháng Công ty phải chi trả các chi phí về tiền điện, tiền lương công nhân, tiền lãi suất ngân hàng, tiền điện, tiền BHXH, tiền thuế, tiền thuê đất…
Công nhân làm việc trong thời dịch tại Nhà máy gạch của CTCP xây dựng và vận tải Tám Tài. Ảnh: Văn Dũng |
Chủ doanh nghiệp này cho biết, kể từ khi dịch bùng phát trên địa bàn, công ty ông đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” cho hơn 40% người lao động của công ty ở các nhà máy để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh, còn hơn 50% lao động còn lại công ty phải cho nghỉ ở nhà nhưng vẫn hỗ trợ 50% lương và bảo hiểm cho người lao động.
Theo ông Tám, nếu dịch bệnh kéo dài mà các cơ quan như: Điện lực, Ngân hàng, Thuế… cũng không có các biện pháp hỗ trợ thì doanh nghiệp không thể “trụ hạng” được.
Mới đây, ông Tám đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Ông Tám cho rằng, công ty ông phải tập trung nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó ưu tiên sản xuất theo hướng “3 tại chỗ” nên hết sức khó khăn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp tập trung nguồn lực vào phòng, chống dịch bệnh, ông Tám đề nghị các cơ quan, ban nghành, các tổ chức, cá nhân có liên quan xem xét cho Công ty ông được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 3089/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ và các chính sách khác có liên quan.
Cùng tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An cũng đang hoạt động cầm chừng để cầm cự và mong dịch bệnh được kiểm soát để ổn dịnh sản xuất kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 15/7/2021, theo đó, mục đích của kế hoạch là kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch góp phần ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an toàn cho người lao động. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng và trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện; thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, ban, nghành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, tính đồng bộ, hiệu quả, kịp thời trong quá trình thực hiện. |
Tác giả: Văn Dũng
Nguồn tin: nhadautu.vn