TP.HCM sẽ xử lý nghiêm người 'bom' hàng khi nhờ đi chợ hộ
- 07:20 29-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thông tin trên được ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ trong Livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 28/8.
Theo ông Tự Do, sau khi chương trình phát sóng tối 26/8 đưa ra thông tin có trường hợp người dân "bom" hàng khi nhờ cán bộ đi chợ hộ, nhiều người xem cho rằng thông tin này không chính xác. Do đó, ông phải đính chính một lần nữa rằng việc này có xảy ra và đã được cán bộ phường xác nhận.
Vì sao người dân "bom" hàng?
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, xác nhận trong tổng số các đơn người dân đặt mua, nhân viên siêu thị ghi nhận có nhiều đơn hàng không đến được tay người đặt.
Lý giải về việc người dân “bom” hàng khi sử dụng hệ thống đi chợ hộ, ông Đức cho rằng với tâm lý sợ không đặt được hàng, người dân đã đặt hàng ở nhiều kênh, nhiều chỗ. Do đó, khi đơn hàng giao đến muộn hơn, người dân không nhận nữa.
Đại diện Saigon Co.op cho biết nhiều đơn hàng được đặt thông qua đăng ký đi chợ hộ nhưng sau đó bị người đặt từ chối nhận. Ảnh: Phương Lâm. |
Ông Đức cho biết trước đây, Saigon Co.op từng tính đến việc sẽ tính thêm phí đặt hàng cho mỗi đơn, để hạn chế việc người dân đặt hàng xong nhưng không nhận. Nhưng sau đó, công ty tính toán lại thì nhận thấy việc này không phù hợp, nhất là trong bối cảnh nhiều người gặp khó khăn do dịch bệnh.
Vì vậy, hệ thống siêu thị này không áp dụng quy định về việc thêm phí đặt trên. Nhưng điều đó lại dẫn đến tình trạng nhiều người dân "bom" hàng.
Thông qua chương trình, ông Đức mong muốn người dân bình tĩnh để tập trung đặt hàng một chỗ. Việc này giúp nhân viên siêu thị và hệ thống "đi chợ hộ" tập trung giải quyết từng đơn hàng, giảm được nguy cơ quá tải.
Trong khi đó, ông Lê Quang Tự Do cho biết chính quyền quận, huyện, phường, xã ở TP.HCM đã cân nhắc việc xử phạt người dân đặt hàng nhưng không nhận. Dù vậy, cơ quan chức năng thông cảm vì những ngày đầu, người dân còn tò mò, một số người chưa biết nên đã kiểm tra để thử. Do đó, những trường hợp vừa qua chưa bị xử lý.
"Tuy nhiên, từ tuần sau, thành phố sẽ xử lý nghiêm người 'bom' hàng. Rất tội là nhiều cán bộ phường phải bỏ tiền túi ra để mua lại số hàng không được nhận đó", ông Tự Do cho biết.
Sớm để shipper hoạt động trở lại
Tại chương trình, MC Quyền Linh liên tục nhắc về sự cần thiết của việc cho shipper sớm được hoạt động vì đây là nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Đội ngũ này sẽ giảm tải được khối lượng công việc mà các tổ Covid-19 cộng đồng đang phải làm khi đi chợ hộ người dân.
Trả lời câu hỏi về việc khi nào shipper ở TP.HCM được hoạt động trở lại, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết Sở nhận thấy nhu cầu cấp thiết của việc này và đã đề xuất lên thành phố cùng Tổ công tác đặc biệt, sau đó được chấp thuận.
Ông Phương cho biết Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chấp thuận chủ trương này. Vì vậy, trong thời gian sớm nhất, thành phố sẽ có văn bản chính thức về việc cho shipper hoạt động. Sau đó, Sở Công Thương sẽ hướng dẫn chi tiết.
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định thành phố sẽ sớm có văn bản về việc cho shipper hoạt động trở lại, với điều kiện đảm bảo yêu cầu phòng dịch. Ảnh: Chí Hùng. |
Nói thêm về tốc độ vận chuyển hàng hóa, ông Phương cho biết khi thành phố siết chặt giãn cách xã hội, người dân không được đi chợ, các địa phương phải tổ chức lực lượng đi chợ thay. Lực lượng này không có sẵn mà phải huy động và cũng không có thời gian để đào tạo, huấn luyện.
Do đó, tùy địa phương, tùy khu vực, tình hình, có những chỗ có thể ăn khớp trong thời gian ngắn, nhưng cũng có chỗ vẫn còn chuệch choạc. Khi triển khai bước đầu, các hệ thống phân phối chưa thể xác định rõ sẽ phải làm thế nào, mà chỉ biết tiếp nhận các đơn hàng đã được đặt để phân công người đi chợ thay, kịp thời cung ứng đến người dân.
"Nếu chỉ cần có trục trặc ở một trong các khâu đó thôi là đơn hàng đã bị chậm rồi", ông Phương lý giải cho trường hợp có người dân đặt hàng 4 ngày nhưng chưa nhận được.
Ông cho biết sau này, khi lượng thực phẩm dự trữ của người dân giảm xuống, nhu cầu về hàng hóa tăng lên thì lượng hàng cần phải luân chuyển sẽ rất lớn. Giải pháp lúc này, theo ông Phương, vẫn là phải tính đến việc tăng cường đội ngũ giao hàng.
Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết khi đội ngũ shipper hoạt động trở lại, những người có điều kiện có thể tự đặt và nhận hàng trực tiếp qua người vận chuyển. Còn người khó khăn cần thành phố hỗ trợ vẫn có thể đăng ký qua tổ dân phố, khu dân cư. Lúc này, cán bộ địa phương sẽ giảm khối lượng công việc, do không còn tình trạng đơn đặt hàng đi chợ hộ bị quá tải.
Ngoài ra, nhiều người xem chương trình đặt câu hỏi về việc combo đi chợ hộ ở siêu thị có giá cao, đồng thời thực phẩm không đa dạng.
Nói về việc này, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết combo trong điều kiện bình thường chỉ là hình thức khuyến mãi, nhưng combo trong điều kiện hiện nay mang tính chất là gói hàng chuẩn bị sẵn để cung ứng cho người dân nhanh hơn.
"Vì là chuẩn bị sẵn nên có những combo chưa thật sự đúng theo yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, combo chỉ là gợi ý về mặt đơn hàng, còn người dân vẫn có thể đặt hàng hóa theo nhu cầu riêng, siêu thị vẫn phục vụ bình thường", ông Đức nói.
Về giá, ông Đức cho biết có 23 bộ combo cho người dân lựa chọn, thấp nhất là combo 300.000 đồng, có đủ thực phẩm để gia đình 4 người dùng được trong 3 ngày. Giá này theo đúng giá của thị trường và người dân có thể so sánh ở nhiều siêu thị khác nhau để lựa chọn combo có mức giá phù hợp cho mình.
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: zingnews.vn