Bộ trưởng Giao thông quyết "trảm" Giám đốc dự án chậm tiến độ
- 10:12 28-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vấn đề trên được ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - nhấn mạnh tại cuộc họp giao ban tình hình công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ tháng 9 của Bộ GTVT, chiều 27/8.
Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Bộ GTVT cho biết đã có các văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (QLDA) quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu tăng cường các mũi thi công, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân.
Tuy nhiên, hiện nay tiến độ thi công một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, chậm so với kế hoạch đề ra; một số dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử như với 11 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam, công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao chưa đáp ứng tiến độ hoàn thành, chủ yếu do vướng mắc công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn 6 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai. Trong số 10/11 dự án đang thi công, có 2 dự án đáp ứng tiến độ, 4 dự án mới khởi công, 4 dự án tiến độ chậm so với kế hoạch.
Một số dự án giao thông thi công chậm tiến độ và chưa đáp ứng yêu cầu về giải ngân vốn đầu tư công. |
Có 3/10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết của Quốc hội đang chậm tiến độ so với kế hoạch đặt ra. Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư là Sở GTVT các địa phương chỉ đạo nhà thầu tập trung thi công quyết liệt để bù lại khối lượng chậm và Bộ GTVT đã phải gia hạn tiến độ lần 2.
Nhóm các dự án ODA đang triển khai thi công: Dự án Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long sản lượng đạt 95% khối lượng, tuy nhiên phải tạm dừng thi công từ giữa tháng 7 do dịch Covid-19. UBND TP Hà Nội mới có văn bản chấp thuận tiếp tục thi công từ ngày 17/8, dự kiến hoàn thành toàn bộ trong tháng 9.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xây dựng. Bộ GTVT đã báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư làm cơ sở để bàn giao dự án đưa vào vận hành khai thác.
Về giải ngân vốn đầu tư công, theo số liệu cập nhật đến ngày 27/8, dự kiến tháng 8 sẽ giải ngân được 3.486 tỷ đồng, hết tháng 8 lũy kế giải ngân được 22.800 tỷ đồng, đạt 52,9% kế hoạch, tăng khoảng 850 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ.
Lãnh đạo một số Ban QLDA cho biết, khó khăn nhất hiện nay là việc thi công ở các địa phương có dịch Covid-19 phức tạp. Việc đưa nhân lực, vận chuyển máy móc, vật tư đến công trường rất khó khăn. Thậm chí, có công trường phải nghỉ vì có người liên quan đến F0.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thông tin, từ nay đến cuối năm các chủ đầu tư, Ban QLDA phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều kiện thời tiết bất lợi, mưa bão cuối năm sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án.
Đơn vị này cũng nêu ý kiến tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT thành lập Tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban QLDA tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công năm nay đáp ứng yêu cầu.
Nhìn nhận về tình hình nói trên, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể không hài lòng với kết quả giải ngân vốn xây dựng cơ bản khi bình quân toàn ngành đến nay mới đạt 52% kế hoạch cả năm. Ông Thể cho rằng một số dự án có tiến độ giải ngân đáng lo ngại.
"Trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp hiện nay, nếu các dự án không triển khai quyết liệt sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Từng đơn vị, Ban QLDA phải khẩn trương hơn. Bộ GTVT sẽ lập Tổ công tác đặc biệt để đi kiểm tra các dự án để chấn chỉnh công tác thi công, giải ngân.
Bộ GTVT dứt khoát điều chuyển, kỷ luật lãnh đạo đơn vị quản lý dự án, giám đốc công trường dự án chậm tiến độ" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiên quyết.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí