Một tiết con học online, bố "giật" máy 4 lần nghe điện thoại
- 10:56 26-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mới đây, khi con gái dùng điện thoại tham gia học online do trường tổ chức để làm quen, anh Nguyễn Mạnh Tùng, ở Thủ Đức, TPHCM liên tục nhảy vào "cắt ngang" đến 4 lần vì cần nghe cuộc gọi.
Lúc đó, người giao hàng đến, gọi đi gọi lại cho nhau để xác nhận. Giờ học của con liên tục bị đứt quãng. Mới vào được một chốc, bố lại réo: "Cho bố mượn".
Buổi nào ít nhất cũng có 1 - 2 cuộc gọi, có lần trao đổi cả chục phút, xem như... gần hết giờ học của con.
Mới học thử đã vậy, khi học chính thức thời gian dài hơn, nhiều môn, nhiều tiết hơn, anh lo hai bố con chia nhau điện thoại cả ngày thì nguy.
Không nhiều gia đình đảm bảo về thiết bị công nghệ cho con tham gia học online. |
Anh Tùng cũng muốn sắm cho con thiết bị riêng để phục vụ việc học nhưng chi phí nằm ngoài dự trù tài chính của gia đình đang phải cắt giảm.
Ông bố hạn chế con bị làm phiền khi học bằng cách cố gắng giải quyết các vấn đề của mình trước giờ con sử dụng điện thoại. Ngoài ra, anh cũng thông báo với một số người quen sẽ phản hồi sau. Tuy vậy, cũng không thể tránh được những cuộc gọi đi và đến đột xuất.
Học sinh tại TPHCM và nhiều tỉnh thành sẽ bước vào năm học mới bằng hình thức trực tuyến. Có nhiều cái khó khi khởi đầu một hình thức học tập mới, song tình cảnh phổ biến nhất là phụ huynh và con cùng dùng chung điện thoại.
Vợ chồng chị Hải An ở Phú Nhuận cũng gắng sắp xếp việc học online cho hai con một cách tốt nhất. Bé lớn lớp 7 dùng máy tính, còn em nhỏ xem điện thoại của mẹ.
Chị vừa làm việc tại nhà, vừa bán hàng online phải giữ liên lạc liên tục. Rồi nhiều cuộc gọi đột xuất như từ người thân, giao hàng.... nên chắc chắn không tránh khỏi việc mẹ "phá ngang" giờ học của con. Kể cả đứa con lớn cũng phải tạm dừng việc học những lúc bố mẹ cần vào hòm thư điện tử gửi báo cáo gấp .
"Lúc này bỏ ra vài triệu sắm cho con thiết bị học tập là cả một vấn đề không chỉ riêng với gia đình khó khăn. Nhà tôi vẫn buộc phải duy trì việc con dùng máy của bố mẹ để học", chị An nói.
Giảm thời gian tương tác online, tăng thời gian tự học trên sách vở
Cô Nguyễn Thị Tâm, giáo viên tiểu học ở quận Gò Vấp chia sẻ, việc học online ban đầu sẽ có nhiều khó khăn nhưng trẻ thích nghi rất nhanh khi được hướng dẫn. Các cháu khá nhanh nhạy với việc sử dụng công nghệ, vượt cả hình dung của người lớn.
Khi dạy học online hạn chế dễ gặp nhất là về thiết bị, công nghệ, đây cũng là yếu tố kéo theo bất bình đẳng trong giáo dục khi chuyển đổi sổ. Gia đình có điều kiện có thể sắm riêng cho con những thiết bị tốt nhất, nhưng nhiều gia đình con phải dùng "ké" của bố mẹ hoặc thiết bị không đảm bảo.
"Mỗi tiết học có khi chỉ 30 - 40 phút mà các em liên tục out vì bố mẹ cần sử dụng điện thoại. Chất lượng thiết bị cũng ảnh hưởng đến cơ hội tiếp thu kiến thức và sức khỏe của trẻ", cô Tâm nói và cũng lo lắng khi có giáo viên thiết kế giờ học kéo cả tiếng đồng hồ hay tiết này nối tiết khác.
Việc dạy học online cần tính đến phương án trẻ dùng thiết bị là điện thoại. |
Khảo sát nhanh về thiết bị điện tử của thầy cô dùng tham gia tập huấn, TS Dương Minh Thành, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm TPHCM, nhận được kết quả hầu hết giáo viên sử dụng máy tính nhưng cũng có đến 1/6 giáo viên dùng điện thoại thông minh.
Tỷ lệ học sinh sử dụng điện thoại thông minh để học online, theo TS Dương Minh Thành chắc chắn còn trội hơn, trong đó nhiều em phải mượn của bố mẹ, nhất là trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp không có điện thoại thông minh đủ tiêu chuẩn để học, nhất là ở các địa phương vùng xa, loại cùi cùi còn có nguy cơ chai pin...
Từ thực tế hạn chế về thiết bị như vậy, theo TS Dương Minh Thành, khi tính toán phương án dạy học online nên dựa trên phương án học sinh sẽ sử dụng điện thoại là chính và điện thoại là điện thoại mượn của bố mẹ.
Điện thoại ưu tiên cho tính năng liên lạc kết hợp những tính năng cơ bản như chụp hình, lướt web, xem hình ảnh video dung lượng thấp... cấu hình đơn giản và dùng trong thời gian ngắn. Điện thoại khi sử dụng chung thì nguồn lực về thời gian, dung lượng sẽ phải chia sẻ.
TS Dương Minh Thành cho rằng, trong thời gian dịch bệnh, áp lực đã đè nặng lên các gia đình, các phương án dạy học online đưa ra nên hướng giảm bớt áp lực về thiết bị và tăng cường tự học trên sách, vở, giấy bút nhiều hơn. Thời gian tương tác trực tiếp cần phải giảm, tránh việc để trẻ em ôm điện thoại học sáng đến chiều.
Việc học online cũng cần xem xét đến yếu tố khác như sức khỏe của trẻ khi dán mắt vào màn hình bé tí liên tục, tiền phải trả cho dung lượng tải, không gian học tập có thể thiếu riêng tư...
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí