Phụ huynh cho con học lớp 1 ở quê để được đến trường
- 08:02 26-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chưa đến 6h, bé Bảo Minh đã tự giác thức dậy, ăn uống, sẵn sàng đi học. Mấy hôm đầu, cô Thúy Nga, bà nội bé, hỗ trợ cháu chuẩn bị sách vở. Cô sẽ hướng dẫn dần để cháu tự lo.
“Lúc bố mẹ cháu quyết định cho cháu học trực tiếp luôn ở Quảng Ninh thay vì học online theo trường ở Hà Nội, tôi thấy nhẹ nhõm hẳn. Cháu thích đi học lắm. Đến trường, cháu được gặp bạn bè, cô giáo, chạy nhảy, nô đùa. Gia đình cũng yên tâm hơn”, cô Nga chia sẻ.
Bé Bảo Minh vui vẻ khi đến trường. Ảnh: T.N. |
Từng lo lắng khi trẻ phải học online
Bé Bảo Minh được bố mẹ cho về quê nội từ đầu tháng 5. Thời gian đó, bé đi học thêm, chủ yếu để có bạn chơi cùng.
Lúc đó, chị Hoàng Ly, mẹ Bảo Minh, chưa nghĩ nhiều đến việc sẽ cho con bước vào lớp 1 ở quê. Chị vẫn nghĩ chỉ khoảng vài tuần, Hà Nội sẽ kiểm soát được dịch.
Dịch căng thẳng hơn, xác định con sẽ ở lại Quảng Ninh, vợ chồng chị gửi giấy tờ của con về, sẵn sàng cho phương án khác. Ông bà nội bắt đầu tìm kiếm trường cho cháu.
Khi Bộ GD&ĐT ra văn bản đề nghị các địa phương tiếp nhận học sinh từ vùng dịch về quê học tập, chị Hoàng Ly quyết định cho con vào học trường Đoàn Thị Điểm ở Quảng Ninh dù vẫn làm thủ tục tại trường Hà Nội.
“Tôi đã cho con học thử online lớp tiếng Anh nhưng không hiệu quả. Hơn nữa, giai đoạn mới bắt đầu cũng không quá quan trọng về mặt kiến thức, chỉ cần con được rèn luyện nề nếp, ý thức thời gian, khả năng tập trung. Đến trường, con có bạn bè chơi cùng, trò chuyện, cũng được cô kèm cặp hơn”, chị Hoàng Ly phân tích.
Quyết định này mang lại niềm vui cho hai bà cháu Bảo Minh. Cô Thúy Nga cho rằng với trẻ nhỏ, học trực tiếp sẽ tốt hơn học trực tuyến.
Thực tế, cô từng cho cháu học online một ngày theo trường tư thục mà cháu học ở Hà Nội. Cháu học 2 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi chiều.
Suốt thời gian đó, cô phải ngồi cạnh để hướng dẫn từng thao tác vào lớp, bật mic khi cô giáo gọi.
Cô kể thêm trong lớp học, một số bạn không có người lớn ngồi cạnh nên thường nghịch ngợm. Đây là điều dễ hiểu khi trẻ còn nhỏ, khả năng tập trung chưa tốt và chưa ý thức được việc học.
Tương tự, gia đình chị Thanh Tâm cũng quyết định cho con theo học trường công lập ở Ninh Bình thay vì học trực tuyến tại trường ở Hà Nội.
Chị từng lo lắng không tìm ra giải pháp nào. Nếu vậy, bé Đức Bảo, con trai chị, sẽ phải học online, thậm chí có thể đến hết học kỳ I nếu tình hình dịch ở Hà Nội vẫn phức tạp, các trường chưa mở cửa trở lại.
Con mới 6 tuổi, tâm lý chưa sẵn sàng để vào lớp 1. Nếu phải học online, chị Tâm lo con sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, không nghiêm túc học hành.
Thêm vào đó, khi dịch bệnh khiến cả hai vợ chồng chị thất nghiệp, quyết định cho con theo học tại trường ở quê cũng giảm phần nào gánh nặng tài chính.
Chị Thanh Tâm dự định cho con học tại quê cho đến hết lớp 2. Ảnh: T.T. |
May mắn khi con được đến trường
Chị Thanh Tâm kể gia đình đã trò chuyện để con hiểu con sẽ học lớp 1 tại quê. Ban đầu, cậu bé không muốn đi học, sợ môi trường lạ, dịch bệnh, cứ khăng khăng chỉ muốn học mầm non. Hiện tại, Đức Bảo phần nào tiếp nhận.
Đương nhiên, gia đình chị vẫn còn nhiều lo lắng khi con bước vào chặng đường mới. Nếu học trường ở Hà Nội, chị có thể cho con theo học chương trình song ngữ để rèn luyện tiếng Anh.
Với lựa chọn mới, gia đình sẽ phải xem xét việc cho con học thêm hoặc bố mẹ kèm cặp con học tại nhà song song với học ở trường.
Chị cũng lo con thấy hụt hẫng vì trước đó, con đã học tiền tiểu học, biết ghép vần, nắm các kiến thức khác trong khi ở lớp mới, con sẽ phải học lại từ đầu theo các bạn.
Chưa kể đến, chị e ngại sau này, khi dịch bệnh được kiểm soát, gia đình trở lại Hà Nội, nếu cho con học trường song ngữ, con sẽ khó theo kịp.
Dù vậy, tại thời điểm này, chị Thanh Tâm vẫn cảm thấy may mắn khi con được đến trường thay vì ngồi trước máy tính học bài. Trước tình hình dịch bệnh còn khó lường, gia đình chị dự định cho con học hết lớp 2 ở Ninh Bình rồi mới chuyển về Hà Nội học tiếp.
May mắn cũng là cảm giác của gia đình chị Hoàng Ly khi con có thể học trực tiếp dù đến tận 23/8, bé Bảo Minh mới học buổi đầu tiên trong khi các bạn cùng lớp đã học từ ngày 1/8 và học đến bài 11.
Bà nội Bảo Minh đánh giá lớp 1 là năm học bản lề. Việc được đến trường học tập sẽ tốt hơn cho trẻ.
Cô Thúy Nga kể buổi đầu làm thủ tục, bé còn lạ lẫm nên mếu máo. Nhưng đến hôm đi học, được bạn bè chào đón, bé nhanh chóng hòa nhập môi trường mới và rất thích đến trường.
Hàng ngày, xe của trường qua đón Bảo Minh lúc 7h. 16h10, bé tan học, lên xe về nhà. Ông bà chỉ cần kèm cháu làm Toán, tập đọc, quay video lại để gửi giáo viên chứ không cần ngồi học cùng như khi cháu học online.
“Đến trường, cháu được cô giáo sát sao. Các cô có phương pháp sư phạm nên cháu tiếp thu tốt hơn so với khi ông bà hướng dẫn. Hơn nữa, trẻ con thường có tâm lý nghe lời giáo viên hơn người thân”, cô Thúy Nga nói thêm.
Trong khi đó, buổi đầu con trai vào lớp 1, chị Hoàng Ly có chút hụt hẫng vì không thể ở bên cạnh con trong dấu mốc đáng nhớ này. Cũng may, hiện tại, công nghệ thông tin phát triển, bà nội bé có thể chụp ảnh rồi gửi chị. Hàng ngày, mẹ con cũng thường xuyên gọi video trò chuyện.
“Tôi cũng thấy may mắn vì con ở vùng dịch không phức tạp, được đến lớp, giao lưu bạn bè. Với con nhỏ, không gian giao tiếp trực tiếp như vậy rất quan trọng. Thật may vì gia đình kịp thời ‘quay xe’, để con ở quê thay vì đón con lên để rồi mắc kẹt ở Hà Nội”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Tác giả: Nguyễn Sương
Nguồn tin: zingnews.vn