Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Khó chồng khó cho năm học mới

Năm học 2021-2022 sắp bắt đầu nhưng nhiều địa phương vẫn đối mặt tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng, học sinh phải học trực tuyến, không có SGK… Các nhà quản lý giáo dục nói rằng, năm nay toàn ngành phải nỗ lực, tâm huyết, linh hoạt, đồng thời có giải pháp căn cơ để thực hiện kế hoạch năm học.

 Nhiều địa phương sẽ triển khai năm học mới không bằng phương thức trực tiếp

Thiếu giáo viên

Bộ GD&ĐT khẳng định, năm học 2020-2021 mặc dù các địa phương đã nỗ lực nhưng thực tế còn gặp nhiều khó khăn trong dạy và học. Đó là dịch bệnh tấn công trường học; thừa, thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương; cơ sở vật chất chưa đảm bảo; chênh lệch trình độ giáo viên ở các vùng miền… Việc đào tạo, bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học còn nhiều khó khăn, bất cập. Cấp tiểu học hiện thiếu hơn 11.000 giáo viên Tin học và Tiếng Anh.

Tính đến thời điểm này, nhiều địa phương phải triển khai dạy học trực tuyến cho năm học mới như: Hà Nội, TPHCM, Nghệ An… Một số địa phương phải lùi thời gian học sinh tựu trường như: Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Sơn La, Hải Dương… Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Thái Văn Thành, nói rằng, nhiều trường học ở vùng miền núi, khó khăn, học sinh không đủ phương tiện để học trực tuyến (chỉ 60% học sinh miền núi có thiết bị), thậm chí có nơi không có Internet. Các trường đã kêu gọi hỗ trợ được một số điện thoại thông minh để học sinh tập trung học theo nhóm; những điểm trường lẻ, giáo viên buộc phải in phiếu bài tập, giao bài. Theo ông Thành, năm học này xác định sẽ là một năm học khó khăn, do đó việc dạy học sẽ linh hoạt giữa trực tuyến và trực tiếp. Nơi nào ổn định phải tận dụng thời gian vàng để học, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Đối với lớp 1, lớp 2, các trường bố trí lịch học buổi tối để phụ huynh có thời gian hướng dẫn cùng con. SGK đã được chuyển về các trường; trong ít ngày tới, khi dịch ổn định hơn, trường sẽ gửi sách cho học sinh.

Nghệ An hiện thiếu 4.000 giáo viên tiểu học và mầm non, vì quy định mới yêu cầu trình độ giáo viên phải tốt nghiệp ĐH. Trước mắt, Sở GD&ĐT Nghệ An tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo yêu cầu các huyện, thị bố trí đủ giáo viên tỉ lệ 1,5/lớp cho khối 1, lớp 2 thực hiện chương trình SGK mới. Các khối lớp 3-5 nơi nào thiếu giáo viên, các trường ký hợp đồng tuyển dụng. “Vừa đổi mới chương trình, SGK lớp 2, lớp 6 vừa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải kiên trì, quyết tâm, nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm để thực hiện năm học này”, ông Thành nói.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, năm học 2021-2022 phải tuyển mới 856 giáo viên, trong đó nhiều nhất là ở cấp tiểu học với 495 người. Tuy nhiên, do dịch diễn biến phức tạp, các đơn vị không thể hoàn thành việc tuyển dụng và phân bổ giáo viên về trường vào tháng 9. Để có giáo viên trước ngày 5/9, các trường học tạm thời hợp đồng ngắn hạn với số giáo viên trước đó hoặc bố trí tăng giờ dạy. Sở GD&ĐT Đà Nẵng coi dạy trực tuyến là một hình thức hỗ trợ, chứ không phải là hình thức chủ đạo, nên xác định trong vòng 2 tuần sau lễ khai giảng, các trường chủ yếu giới thiệu chương trình, SGK, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ; nếu dịch kéo dài thì mới tính phương án khác.

Kết quả rà soát học sinh đủ điều kiện học trực tuyến năm ngoái của tỉnh Sơn La là chỉ có 30% học sinh đáp ứng. Do đó, năm nay dù Bộ GD&ĐT có quy định khung thời gian năm học, học sinh lớp 1 tựu trường sớm nhất ngày 23/8, địa phương quyết định cho học sinh các cấp đến trường từ ngày 16/8 để tận dụng thời gian vàng học sinh học trên lớp. Thế nhưng, dịch COVID-19 khiến địa phương phải đóng cửa trường học chờ thông báo mới. Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Văn Chiến, nói rằng, nếu phải dạy trực tuyến, địa phương dự kiến kêu gọi xã hội hoá, hỗ trợ một phần kinh phí mua thiết bị điện tử, hỗ trợ học sinh gặp khó khăn, ưu tiên học sinh cuối cấp.

Dạy học linh hoạt

Tại hội nghị triển khai năm học mới, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đổi mới quản trị trường học theo hướng tăng tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; trường học đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để ứng phó tác động của dịch COVID-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh, khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử học trực tuyến, dạy học qua truyền hình để dù dịch bệnh kéo dài thì việc học vẫn không bị gián đoạn.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD&ĐT, nói rằng, khi dịch căng thẳng, các trường xây dựng kế hoạch học trực tuyến; khi dịch ổn định, phải tận dụng thời gian học sinh đến trường để tương tác thầy trò, dạy bù phù hợp, đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học. Năm ngoái, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung cấp THCS-THPT, trong đó thực hiện tinh giản kiến thức các môn học.

Về vấn đề SGK, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị ưu tiên hỗ trợ vận chuyển sách đến các trường học. Các nhà xuất bản cũng đã cung cấp bản điện tử để học sinh có thể sử dụng khi chưa có SGK bản giấy.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong