Xây dựng mô hình mẫu vừa thi công vừa phòng dịch ở dự án cao tốc Bắc - Nam
- 19:09 21-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bắt tay thi công ngay từ những ngày đầu
Hôm nay (21/8), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công 2 dự án cao tốc Bắc - Nam là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt.
Báo cáo Thứ trưởng, ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, 2 dự án cao tốc trên có tổng chiều dài 99km. Trong đó, phần sử dụng ngân sách Nhà nước là 50 km, còn lại do liên danh nhà đầu tư thực hiện theo hình thức PPP.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra tiến độ thi công 2 dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt. |
Với dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, gói đầu tiên khởi công vào ngày 2/7/2021, còn muộn nhất mới triển khai được 20 ngày. Tuy nhiên đến nay, các nhà thầu đã huy động cơ bản đầy đủ máy móc thiết bị và nhân lực để thi công đường công vụ, làm lán trại, bãi tập kết vật liệu.
Riêng phần hầm Trường Vinh, nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải đã cơ bản hoàn thành phần bóc tách đất hữu cơ, làm đường điện, san nền chuẩn bị dựng trạm trộn bê tông xi măng và đưa hệ thống máy khoan hầm vào thi công.
Theo ông Minh, thời gian này dù đang phải tập trung phòng chống dịch Covid-19, nhưng tỉnh Nghệ An và hội đồng GPMB các huyện rất quyết liệt, bàn giao được 45/50km mặt bằng sạch (tương đương 97%). Tuy vậy vẫn còn vị trí vướng mặt bằng nằm ở điểm găng về tiến độ.
Ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban QLDA 6 báo cáo Thứ trưởng và lãnh đạo tỉnh Nghệ An về tiến độ triển khai sau 1 tháng ký hợp đồng. |
“Theo thiết kế, khi đào hầm Trường Vinh, đất đá thải sẽ được tận dụng để thi công đắp nền, đắp đường công vụ ở gói 2. Tuy nhiên, hiện còn 800m đất ở (của hơn 100 hộ thuộc xóm 7 Quỳnh Vinh) chưa GPMB, nằm ở đầu đường công vụ. Điểm nghẽn này khiến máy móc không thể đưa vào thi công hầm; đất đá đào ra không có đường vận chuyển. Nếu thị xã Hoàng Mai không có biện pháp tháo gỡ, chắc chắn sẽ làm chậm tiến độ của cả 2 gói”, ông Minh nói.
Ngoài ra, dự án còn vướng mặt bằng 8 hộ dân thuộc diện tái định cư ở cầu Hoàng Mai (Quỳnh Vinh); khu vực Kênh Vách Bắc (xã Đô Thành, Yên Thành); hệ thống đường điện 110Kv, 220Kv nút giao với QL7B và 7A (huyện Diễn Châu) chưa di dời.
Vừa bắt tay vào làm khoảng 1 tháng, nhưng trên công trường dự án các nhà thầu đã huy động rất nhiều phương tiện thiết bị phục vụ thi công. |
Đề nghị địa phương sớm nâng công suất, trữ lượng các mỏ vật liệu
Về phía nhà thầu, đại diện Vinaconex và Binh đoàn Trường Sơn báo cáo và mong muốn địa phương chỉ đạo các chốt kiểm dịch tạo điều kiện để nhà thầu đưa máy móc, kỹ sư, công nhân vào công trường nhằm đảm bảo tiến độ. Cùng đó, tỉnh Nghệ An xem xét nâng trữ lượng, sản lượng mỏ cát để phục vụ dự án.
Ông Nguyễn Bá Sỹ, Giám đốc điều hành dự án của Vinaconex, cho biết: "Chúng tôi thi công gói XL3, dự kiến cần 3 triệu khối đất và 500.000m3 cát. Trữ lượng đất theo điều tra thì đủ, nhưng thực tế giá cao hơn dự toán 20 - 30%. Các mỏ mới đấu giá chưa lấy được vì họ nói còn cần từ 2 - 6 tháng mới được tỉnh cấp giấy phép khai thác. Trữ lượng các mỏ cát toàn khu vực là 1,1 triệu m3, nhưng công suất cho phép khai thác của các mỏ chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của dự án. Vì vậy, đề nghị tỉnh Nghệ An quan tâm sớm cấp phép khai thác và cho các mỏ được nâng công suất, trữ lượng".
Còn ở dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, liên danh nhà đầu tư bày tỏ mong muốn địa phương tạo điều kiện để nhà thầu đưa máy vào thi công trụ cầu dẫn và 2 mặt hầm Thần Vũ. Các vị trí này là đất rừng phòng hộ đã kiểm đếm, bồi thường nhưng còn thiếu thủ tục chuyển đổi đất rừng (đang chờ các Bộ cho ý kiến). Nếu phải chờ đủ thủ tục, dự án sẽ có nguy cơ chậm tiến độ.
Liên quan đến đề xuất của Ban QLDA 6 cũng như các nhà thầu, ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết sẽ chỉ đạo tháo gỡ ngay. Về mặt bằng làm đường công vụ, tỉnh sẽ làm việc với thị xã Hoàng Mai và các huyện, trước mắt giải quyết xong phần 800m mặt bằng đường công vụ trước ngày 15/9, sau đó sẽ tháo gỡ tiếp.
"Về trữ lượng mỏ, các nhà thầu phải thống nhất với mỏ, cụ thể cần nâng lên bao nhiêu, trong thời gian nào rồi có văn bản đề xuất, tỉnh sẽ xem xét và xử lý ngay. Phần vướng đất rừng, nhà đầu tư và Ban QLDA xác định cụ thể từng vị trí, từng khu vực cần mặt bằng làm trước. Khi nhận được văn bản, tỉnh sẽ cho phối hợp kiểm đếm, vừa làm thủ tục vừa giao mặt bằng, đảm bảo không làm trái quy định mà vẫn đảm bảo tiến độ dự án", ông Vinh nói.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban QLDA 6 và các nhà thầu xây dựng mô hình mẫu vừa thi công, vừa phòng chống dịch ở dự án cao tốc Bắc Nam. |
Xây dựng quy trình phòng dịch trên công trường cao tốc
Quá trình kiểm tra dự án, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đặc biệt lưu ý Ban QLDA 6 và các nhà thầu về công tác phòng chống dịch. Thứ trưởng cho biết: "Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên cả nước đang diễn biến phức tạp. Ở Nghệ An, tất cả các huyện, thị nơi dự án đi qua đều đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Việc đi lại, vận chuyển hàng hóa bị hạn chế nhiều.
"Các đơn vị khi thi công phải chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch mà địa phương ban hành. Đặc biệt, giám sát chặt về con người, từ khâu đi lại, ăn ở cho tới lúc làm việc trên công trường. Mục tiêu là vừa thi công đảm bảo tiến độ vừa an toàn phòng dịch", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng giao Ban QLDA 6 và các nhà thầu xây dựng quy trình mẫu về quản lý tiến độ, chất lượng gắn với phòng chống dịch ở công trường thi công đường cao tốc. Việc này có thể tham vấn Cục Y tế GTVT. Từ đó, Bộ sẽ nghiên cứu sớm ban hành quy trình mẫu cho các nhà thầu thi công ở vùng đang có dịch, vùng áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban QLDA 6 tiếp tục phối hợp với địa phương GPMB, tận dụng tối đa phần công địa đã được bàn giao để tổ chức thi công đạt hiệu quả. Từng nhà thầu đăng ký kế hoạch huy động con người, xây dựng biểu đồ tiến độ thi công, quyết tâm không vì dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Ông Trần Hữu Hải, Q. Giám đốc Ban QLDA 6, cho biết, ngay khi các nhà thầu bắt tay vào làm dự án đã quán triệt tinh thần phòng chống dịch tới từng nhà thầu. Đồng thời, tính toán xây dựng mô hình khép kín công trường. Bắt đầu từ việc khoan nước, kéo điện, xây lán trại, làm đường công vụ dọc tuyến... cho tới kiểm soát, quản lý con người sau giờ làm việc. Mục tiêu không để dịch bệnh có cơ hội xâm nhập vào công trường. |
Tác giả: Văn Thanh
Nguồn tin: Báo Giao thông