Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Học sinh làm văn tả bà và mẹ giống hệt nhau vì theo mẫu

Để chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu, nhiều giáo viên cho rằng giải pháp tốt nhất là đổi mới đề thi và cách chấm thi ở các cấp học.

Nói về tình trạng học văn mẫu, với kinh nghiệm trong nhiều năm giảng dạy, cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ Văn trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cho biết chấm dứt tình trạng học theo văn mẫu, tuy khá muộn màng nhưng là điều đúng đắn và đáng hoan nghênh.

"Bao nhiêu năm qua, trẻ con đã lệ thuộc quá nhiều vào văn mẫu. Khi được ra đề bài tả cô giáo, tả bà, tả mẹ, một loạt học sinh tiểu học gần như đều có một bài làm giống hệt nhau. Hoặc khi cô giáo yêu cầu làm văn kể về một việc tốt của bản thân, bỗng nhiên việc một cụ bà được dắt qua đường lại xuất hiện trong hầu hết bài làm, dẫu có em chưa bao giờ thực hiện công việc này", cô Thái Lê nói.

 Hạn chế việc sử dụng văn mẫu ở các cấp học có thể xem là dấu hiệu ban đầu của việc cải cách giáo dục thiết thực. Ảnh minh họa: H.A.

"20 năm một kiểu phân tích bài thơ Sóng"

Chia sẻ với Zing, cô Phạm Thái Lê cho biết cách ra đề và chấm thi môn Ngữ Văn ở các cấp học là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lạm dụng văn mẫu. Người ra đề được quyết định những gì học sinh viết và không muốn thoát khỏi "khung mẫu chung" để tìm bài viết sáng tạo; vì lo sợ hiện tượng chấm vênh khi học sinh đi các ngã rẽ riêng thể hiện ý kiến của mình.

"20 năm trước phân tích bài thơ 'Sóng' như thế nào thì 20 năm sau cũng ngần nấy chữ nghĩa, vậy sáng tạo ở đâu? Vẫn còn ngữ liệu ở trong sách giáo khoa, vẫn còn quỹ điểm là phân tích tác phẩm văn học chiếm 50% điểm số bài thi thì học sinh sẽ không được sáng tạo, người dạy cũng không thể dạy theo kiểu mở để trò có thể vận dụng và tư duy", cô Lê nói.

Cũng theo cô Lê, cách ra đề và chấm thi hiện tại đang là môi trường dung dưỡng khiến giáo viên, học sinh "tự nguyện" theo con đường sử dụng văn mẫu.

Thầy Trịnh Đình Chung, giáo viên môn Ngữ Văn, THPT chuyên Quang Trung, cho biết do tình hình dịch Covid-19 nên mức độ đề thi hai năm vừa qua đã "dễ thở" hơn. Các nội dung này đều có sẵn trên mạng, vì vậy, học sinh lựa chọn học theo văn mẫu và khi đi thi sẽ làm một bài văn "xơ cứng" trả lại kiến thức đã học và đọc trên mạng.

"Đề thi Ngữ Văn ở các 2007 trở về trước hay và đặc sắc do mỗi trường đại học ra một đề khác nhau. Thầy cô không dạy theo khuôn mẫu, chỉ chọn những gì hay nhất trong tác phẩm để học sinh khai thác và sáng tạo nhiều hơn. Cách ra đề hiện nay đã khiến giáo viên khó dạy sáng tạo, chỉ có thể làm sao để học sinh đạt được điểm cao nhất trong các kỳ thi", thầy Chung nói.

Văn mẫu không sai, sai ở cách sử dụng

Để hạn chế sử dụng văn mẫu trong dạy và học, theo thầy Chung phải bắt đầu từ việc đổi mới liên tục đề thi các năm.

"Đề thi theo hình thức cũ thì đã 'có sẵn' mọi thứ rồi, học sinh cứ thể sử dụng và không muốn khai thác thêm. Nếu đề không đổi mới thì không bao giờ chấm dứt được tình trạng văn mẫu. Đề thi phải đổi mới liên tục, khi đổi mới một lần rồi thôi, từ 2 đến 3 năm, chúng ta lại thấy những bài văn mẫu ứng với dạng đề này trên mạng", thầy Chung nói.

 Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021. Ảnh minh họa: C.H.

Thầy Chung đề xuất, để đổi mới đề thi Ngữ văn, Bộ GD&ĐT có thể xem xét, sử dụng những tác phẩm ngoài chương trình tương đương với nội dung, thể loại học sinh được học trên lớp để ra đề. Điều này sẽ hạn chế được việc học văn mẫu, vì các nội dung không có trên mạng.

Đối với thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn, trường THPT Anhxtanh (Hà Nội), văn mẫu không sai, sai ở cách sử dụng văn mẫu của giáo viên và học sinh.

"Văn mẫu có thể xem là những bài văn hay, mẫu mực được giáo viên hướng dẫn cho học sinh để tìm hiểu về các kỹ năng làm bài, cách thức sử dụng câu từ, ý tưởng triển khai bài viết... Nếu cứ hô hào sáng tạo thì học sinh biết viết như thế nào, vì vậy văn mẫu là cần thiết đối với học sinh, là những tiêu chuẩn để các em noi theo. Tuy nhiên, việc các em lệ thuộc vào văn mẫu thì phải xem lại cách sử dụng", thầy Hùng nói.

Đối với cách dạy học của giáo viên, theo thầy Hùng việc cần làm là phải ra đề kiểm tra sáng tạo, cho phép học sinh thể hiện cái tôi cá nhân. Giáo viên cần phân tích rõ cho học sinh về chuẩn mực của bài văn là mang dấu ấn cá nhân trong ngôn từ và suy nghĩ của người viết, không phải là bài văn mẫu trong sách tham khảo hoặc trên mạng. Điều này sẽ giúp học sinh nhận ra vai trò của văn mẫu chỉ là công cụ tham khảo.

Cô Phạm Thái Lê mong muốn giáo viên loại bỏ "giáo án mẫu" để cải thiện việc học văn của học sinh.

"Người dạy chỉ cần cung cấp kiến thức mang tính phương pháp luận để học sinh tiếp cận tác phẩm theo con đường riêng, góc nhìn riêng. Giáo viên cần có kế hoạch dài hơi đối với sự chuẩn bị của học sinh trước khi trình bày và thảo luận trên lớp. Mỗi em sẽ có những mức độ công việc chuẩn bị khác nhau, không chung một 'giáo án mẫu'. Việc tự tiếp cận và được thể hiện quan điểm của người học sẽ tạo dựng được cách học chủ động, từ đó hình thành lối tư duy độc lập và năng lực tự diễn đạt điều trò nghĩ, cảm chứ không phải 'nhai lại' lời người dạy", cô Lê nói.

Ngày 13/8, trong hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu, một trong những việc cần cần làm để giáo dục tốt hơn là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của giáo viên và học sinh.

Tác giả: Nguyễn Hằng

Nguồn tin: zingnews.vn