Cầm cự trong mùa Covid-19: Quán phở, shop quần áo chuyển sang bán rau
- 13:33 20-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Gần một tháng nay, anh Vũ Văn Tăng (Thanh Xuân, Hà Nội) chuyển từ bán phở sang bán rau, củ, quả để phục vụ người dân. Anh cho biết, trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, quán phở của anh nằm trong diện tạm dừng hoạt động để phòng dịch Covid-19. Để tiếp tục mưu sinh, anh quyết định tạm thời rẽ hướng, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng thiết yếu.
"Tôi đã xin phép chính quyền tạo điều kiện cho tôi được bán rau, củ, quả trong lúc quán phở dừng hoạt động. Do nhiều nhân viên ở quán vẫn mắc kẹt ở đây, nếu không có việc làm, các em sẽ thất nghiệp, khó khăn trong thời gian tới", anh nói.
Nhiều cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa để phòng dịch Covid-19 theo chỉ thị số 16 (Ảnh: Mạnh Quân). |
Theo anh Tăng, việc chuyển từ bán phở sang bán rau là biện pháp "chống cháy" giúp cửa hàng, nhân viên vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy thu nhập của quán không thể so với trước kia nhưng cũng phần nào giúp mọi người chống chọi, xoay xở đi qua mùa dịch.
"Tôi lên Hà Nội lập nghiệp cũng gần 30 năm, làm đủ mọi nghề như buôn đồng nát, sắt vụn, đánh giày dạo rồi mới làm ông chủ quán phở. Cho nên, có bán rau hay bán phở với tôi cũng không thành vấn đề, chẳng qua là mình sẽ vất vả hơn, lọ mọ hơn", anh cho hay.
Nhiều quán đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh trong tình hình mới. |
Từ khi quán chuyển sang bán rau, vợ chồng anh Tăng phải thức khuya, dậy sớm để đi lấy hàng từ chợ đấu mối hoặc các mối buôn rau củ quả. Thông thường, thời gian nhập rau được chia làm 2 ca, một ca bắt đầu từ 20h đến 23h, ca thứ hai từ 0h đến 4h.
Tuy nhiên, ông chủ quán phở cho rằng, bán rau củ quả chỉ là phương án tạm thời, còn anh vẫn mong quán được mở cửa trở lại sớm nhất. Bởi hàng tháng, anh vẫn mất 60 triệu đồng tiền thuê nhà, chưa kể, tiền hỗ trợ lương cho nhân viên để họ ở lại với quán.
Rau xanh là mặt hàng được người dân tìm mua nhiều trong mùa dịch. |
Tương tự, anh Tùng - chủ một quán cơm trên đường Quan Nhân (Hà Nội) cho biết, từ khi Hà Nội bước vào đợt giãn cách, quán anh đã chuyển sang buôn bán rau. Bàn ghế, nồi niêu, dụng cụ làm cơm ngày trước được xếp gọn để lấy diện tích bày mặt hàng mới. Để đảm bảo an toàn, anh còn giăng dây trước mặt quán để khách đứng mua đúng quy định về khoảng cách.
"Quán có đóng cửa thì hàng tháng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà, nên ngay khi Hà Nội thực hiện giãn cách tôi đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Đây là cách giúp quán có nguồn thu, trang trải. Hơn nữa, mọi người ở khu phố cũng có thêm một điểm mua hàng, đỡ phải đi xa", anh thông tin.
Anh Tùng khẳng định, các mặt hàng rau củ ở nhà anh đều được bán với giá cả hợp lý, bình ổn, không tăng giá nên được nhiều người ủng hộ. Ngoài lấy hàng ở chợ đầu mối, anh còn nhập hàng ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định để có được giá tốt hơn.
Nhiều cửa hàng thời trang bật chế độ "ngủ đông" giữa mùa hè. |
Còn chị Giang, chủ một shop bán quần áo ở Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) lại coi việc kinh doanh rau, củ, quả trong mùa dịch như là một chiếc phao cứu sinh. Do bởi, thu nhập của gia đình đều trông mong vào sạp rau mà chị đang bán.
"Năm 2019, tôi bỏ ra 500 triệu đồng để đầu tư mở một shop bán quần áo ở Kim Giang, trong đó, đa phần là tiền đi vay. Nhưng quán mở không được bao lâu thì dịch ập đến khiến mọi việc buôn bán đình trệ. Rồi tiếp đến khi Hà Nội thực hiện giãn cách, tôi như lâm vào khủng hoảng do không biết thời gian tới sẽ xoay xở thế nào, kiếm đâu ra tiền", chị tâm sự.
Chị Giang cho biết, nhà chị khá khó khăn khi có 4 cháu nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, chồng thì bị ung thư vòm họng nên sức khỏe yếu, mọi công việc lớn bé trong nhà đều đè lên đôi vai của chị. Trong khi hàng tháng, chị vẫn phải trả lãi ngân hàng, chi tiêu cho con ăn học và thuốc men cho chồng.
"Hồi đóng cửa hàng, tôi hoang mang lắm nhưng vẫn phải nhanh chóng trấn tĩnh lại. Tôi nhận thấy, nhu cầu mua thực phẩm tăng cao, mọi người sẵn sàng chi số tiền cao để mua loại ngon, sạch, đảm bảo. Do đó, tôi mới nảy ra ý tưởng chuyển đồ từ quê lên Hà Nội bán. Không ngờ, được mọi người ủng hộ, hàng bán khá chạy", chị nhớ lại.
Để có mặt bằng, chị Giang sử dụng shop quần áo làm nơi cất rau, củ, quả mỗi khi hàng chuyển lên. Chị không bán trực tiếp ở cửa hàng mà chủ yếu bán trên mạng.
"Có ngày, tôi phải chốt đơn, trả lời cho khách đến khuya. Sáng sớm lại dậy đóng thùng, gọi vận chuyển cho khách. Nhờ làm việc cật lực, số tiền tôi kiếm được cũng trang trải phần nào các khoản chi phí. Quan trọng hơn là tôi có một công việc để làm và kiếm ra được tiền", chị nói.
Hiện nay, hàng ngày, chị Giang vẫn tiếp tục công việc bán rau, thịt, củ, quả trên các chợ mạng. Nhờ bán có uy tín, lượng khách tìm đến chị mua ngày một đông, từ đó, thu nhập của chị cũng được cải thiện với nghề tay ngang trong mùa dịch.
Tác giả: Hoàng Dung
Nguồn tin: Báo Dân trí