Thi lại đại học sau 9 năm, chàng trai đạt 28,1 điểm
- 10:41 20-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Vũ (sinh năm 1994) thi lại ba môn Toán, Hóa học, Sinh học để đăng ký xét tuyển đại học. Anh đạt tổng điểm 28,1, trong đó: Toán (9,6), Hóa học (9,25), Sinh học (9,25).
Thi lại và đạt điểm số ấn tượng, nhưng Vũ vẫn khiêm tốn và cho rằng các học sinh 2003 giỏi hơn, thông minh hơn. Chàng trai sinh năm 1994 hy vọng tổng điểm ba môn tổ hợp khối B sẽ giúp anh trúng tuyển ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội.
Thí sinh dự thi tốt nghiêp THPT 2021-2022. Ảnh: C.H. |
'Không có học trò dốt, chỉ có người lười'
Chia sẻ với Zing, năm 2012, Vũ tham gia kỳ thi đại học và chỉ đạt 18 điểm. Vũ thừa nhận, năm 18 tuổi, bản thân anh vẫn trẻ con, mải chơi, không chăm chỉ học tập nên kết quả thi không cao.
Thời điểm đó, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương chưa có ngành Y đa khoa, Vũ quyết định đăng ký ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học của trường. Hiện, anh là kỹ thuật viên xét nghiệm tại một phòng khám đa khoa tại tỉnh Bắc Giang.
Sau nhiều năm rời khỏi ghế nhà trường, Vũ vẫn luôn mang theo ước mơ trở thành bác sĩ đa khoa. Được sự động viên, ủng hộ của vợ và cấp trên, anh quyết định ôn thi lại để đăng ký vào ngành Y đa khoa của Đại học Y Hà Nội.
Năm 2020, Vũ thi lại lần đầu tiên nhưng chỉ đạt 25,1 điểm, không đủ điều kiện trúng tuyển. Anh quyết tâm thi lại lần hai và đặt mục tiêu cao hơn. Dù công việc bận rộn, Vũ vẫn luôn dành thời gian buổi tối để ôn lại kiến thức, luyện giải đề. Chỉ riêng môn Toán, anh đã luyện giải hơn 20 bộ đề.
Anh đăng ký khóa học thêm online, kết hợp kiến thức, tài liệu cũ từ hồi đi học. Với những kiến thức, đề bài khó, Vũ thường tìm đến sự hỗ trợ của giáo viên hoặc trợ giảng.
"Tôi cho rằng không có người học dốt, chỉ có người lười. Nếu hồi trước tôi chăm chỉ hơn, bây giờ đã không phải vất vả như vậy", anh tâm sự.
Trở lại "đường đua thi đại học", Vũ gặp nhiều trở ngại trong quá trình ôn thi. Kiến thức mới, dạng đề mới khiến việc ôn tập ban đầu của anh gặp khó khăn, nhưng sau đó anh dần làm quen và bắt kịp tốc độ luyện thi. Sự trợ giúp của giáo viên, sự động viên của vợ và cấp trên cũng phần nào giúp chàng trai sinh năm 1994 có thêm động lực học tập.
Vợ là hậu phương vững chắc
Khi được hỏi về ý nghĩ bỏ cuộc, nản chí, Vũ vui vẻ nói rằng bản thân anh chưa từng có ý định đó. Dù công việc bận rộn, khối lượng kiến thức nặng, anh vẫn luôn cảm thấy ôn thi lại là một quyết định đúng đắn.
"Vợ tôi tuyệt vời lắm, cô ấy luôn là hậu phương vững chắc. Cấp trên ở cơ quan cũng rất ủng hộ, tôi không có thời gian để nản chí", Vũ nói.
Được biết, Vũ và vợ kết hôn từ năm 2019, hiện có một con trai hơn một tuổi. Chị Hà (vợ của Vũ) làm việc trong ngành xét nghiệm y học, công tác tại Hà Nội.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, Vũ thường dành thời gian đi từ Bắc Giang xuống Hà Nội thăm vợ con. Dù thời gian có hạn, anh vẫn luôn tìm cách cân bằng giữa công việc, học tập và chăm sóc gia đình.
Năm 2020, Vũ vừa ôn thi vừa chăm vợ bầu.
Khi nhận được kết quả trong kỳ thi vừa qua, Vũ vừa mừng vừa lo. Mừng vì anh sắp hoàn thành ước mơ trở thành bác sĩ, lo vì việc học kéo dài nhiều năm sẽ khiến vợ vất vả. 7 năm đại học vừa là áp lực vừa là động lực, anh khẳng định sẽ cố gắng duy trì việc học song song với chăm sóc gia đình nhỏ.
Hiện, Vũ đang chờ điểm chuẩn trúng tuyển của Đại học Y Hà Nội. Kế hoạch trước mắt của anh là cố gắng học tập để trở thành bác sĩ đa khoa. Anh không đặt quá nhiều kế hoạch cho tương lai, chỉ mong muốn theo đuổi, hoàn thiện mục tiêu hiện tại. Về phần kinh tế, Vũ cho biết cấp trên sẽ hỗ trợ trong thời gian anh học đại học.
Chàng trai sinh năm 1994 cho rằng con đường học tập phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm trí tuệ, chăm chỉ và một chút may mắn. Anh hy vọng tất cả sĩ tử cố gắng với mục tiêu đặt ra, không nên ham chơi để sau này bản thân phải hối hận.
"Các bạn trẻ không nên để chậm gần 10 năm như tôi, sướng hay khổ đều do chính các bạn tự quyết định. Nếu có quyết tâm, chắc chắn bạn sẽ đạt được mục tiêu", Vũ khẳng định.
Tác giả: Minh Thúy
Nguồn tin: zingnews.vn