Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sửa Luật Đất đai phải đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) phải đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là người được giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ bị tổn thương và đảm bảo đời sống, việc làm cho người có thu hồi đất.

Chiều nay 19-8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về sửa đổi Luật Đất đai 2013 - Ảnh: Thành Chung

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết đến nay, cơ bản các Bộ, ngành và địa phương đều tổ chức tổng kết thi hành Luật Đất đai và gửi báo cáo về Bộ TN-MT để cập nhật và hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai, đồng thời với hoàn thiện các chính sách cụ thể của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bộ TN-MT tiếp tục xây dựng phiếu xin ý kiến gửi các Ban cán sự Đảng và 63 địa phương để hoàn thiện tổng kết thi hành luật và có cơ sở hoàn thiện định hướng chính sách của luật; tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, làm việc với các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức quốc tế (World Bank, ADB…). Đồng thời, học tập kinh nghiệm quốc tế về quản lý đất đai ở các nước phát triển cũng như các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam.

Đáng chú ý, trên cơ sở Nghị quyết 19 của Trung ương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra 9 định hướng sửa đổi Luật Đất đai 2013 là: Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất.

 Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Kết luận tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng để tiến hành sửa đổi Luật Đất đai 2013, cần phải thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời những vấn đề được nêu trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng, ý kiến sắp tới của Trung ương sau khi tổng kết Nghị quyết 19 và tổ chức lấy ý kiến của nhân dân các ngành, các cấp một cách thận trọng kỹ lưỡng.

Trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ TN-MT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, có liên quan đến chồng chéo trong pháp luật về đất đai và xác định cả những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong tổ chức, thực thi để có phương án xử lý phù hợp.

"Đặc biệt là phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ bị tổn thương. Đảm bảo đời sống việc làm cho người có thu hồi đất"- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ TN-MT trong quá trình soạn thảo phải khắc phục tình trạng "luật ống", "luật khung" và khắc phục tình trạng chưa đủ rõ đã "chốt cứng" dẫn tới tuổi thọ của luật ngắn.

Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ đề nghị không xác định "cứng" 9 nội dung như Bộ TN-MT đề xuất mà trong quá trình đánh giá thực tiễn có thể xuất hiện nhiều nội dung khác cần chỉnh sửa và sẵn sàng bổ sung, tiếp thu.

"Đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi Luật Đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này"- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 

Ủy ban Thường vụ QH sẽ cho ý kiến quy hoạch sử dụng đất

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Ủy ban Kinh tế phối hợp với các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND 63 tỉnh thành, chuyên gia góp ý Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2021- 2030 tầm nhìn tới năm 2050 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp tháng 10 tới.

 

Tác giả: Thế Dũng

Nguồn tin: Báo Người lao động