Cảm ơn "chiến sĩ áo trắng" đã trở thành người thân của chúng tôi!
- 07:55 19-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
|
Một ngày trung tuần tháng 6, sau nhiều ngày sốt không đỡ, anh N.Đ.Đ., trú tại Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An xuống bệnh viện để khám và test nhanh Covid-19. Hai lần test nhanh của anh Đ. đều cho ra kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Khi nhận kết quả xét nghiệm, anh Đ. vẫn không tin đó là sự thật.
Khi có kết quả test nhanh, anh Đ. được làm xét nghiệm RT-PCR. Kết quả xét nghiệm lần này khẳng định anh Đ. dương tính với SARS-CoV-2. Anh Đ. trở thành bệnh nhân thứ 2 mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Tp.Vinh.
“Thời điểm nhận được kết quả dương tính tôi sốc và lo lắng lắm. Tôi lo cho cả người thân, đồng nghiệp… đã tiếp xúc với mình. Tôi lo lắng mình sẽ làm liên luỵ tới họ”, anh Đ. chia sẻ.
Anh Đ. sau đó được chuyển tới bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An ngay trong đêm. Lực lượng công an nhanh chóng có mặt để điều tra dịch tễ. “Lúc đầu vì lo sợ nên tôi chẳng tập trung nhớ được những địa điểm mà mình đến. Sau một lúc được sự động viên của bác sỹ và lực lượng công an tôi bình tĩnh nhớ lại. Tôi cố gắng nhớ từng ngày chính xác để giúp cơ quan chức năng truy ra F1, F2 cách sớm nhất để tránh lây lan dịch bệnh”, anh Đ. nói về quá trình mình nhập viện.
Không may trở thành F0, bệnh nhân Covid-19 có nhiều áp lực, thậm chí có những lúc họ cảm thấy cô đơn. Ảnh: C.H. |
Thời điểm nhập viện, anh Đ. đã có triệu chứng sốt. Khi biết mình bị bệnh, ban đầu anh Đ. hết sức hoang mang. “Cứ nghĩ đến cảnh cả chính quyền, lực lượng y tế, công an… phải vất vả vì mình mắc bệnh khiến tim tôi thắt lại. Điều lo lắng hơn cứ sợ người thân, đồng nghiệp… lây bệnh thì khổ. Tôi cứ cầu mong cho mọi người bình an. Mấy đêm đầu ở bệnh tôi không thể chợp mắt được. Mỗi ngày qua đi tôi đều cầu mong không có ai lây nhiễm từ mình”, anh Đ. nhớ lại.
Nhập viện được mấy ngày, triệu chứng của anh Đ. càng biểu hiện rõ hơn. Người đàn ông này phải đối mặt với những cơn sốt cao không dứt, ho nhiều hơn, thở khó khăn hơn. Bệnh tình ngày càng thêm nặng khiến tâm lý của anh Đ. chuyển sang tiêu cực. Tuy nhiên, sau nhiều ngày điều trị theo phác đồ của bác sĩ, triệu chứng bệnh của anh Đ. giảm hẳn.
“Mắc bệnh Covid-19, không có người thân đi cùng chăm sóc nên tôi lo lắng lắm. Thời điểm này, chỉ có bệnh nhân, bác sĩ và y tá. Bác sĩ không chỉ chữa bệnh mà lúc này trở thành người thân của tôi. Với bộ đồ kín mịt chỉ nhìn thấy đôi mắt nhưng họ chăm sóc bệnh nhân rất chu đáo. Họ động viên, thậm chí nói chuyện hài hước giúp bệnh nhân giải toả tâm lý, áp lực. Nhờ có sự động viên của đội ngũ bác sĩ nên chúng tôi thoải mái và suy nghĩ tích cực hơn. Các bác sĩ đã làm việc quá công suất, nhiều khi mệt mỏi họ nằm soài trên nền nhà. Nhưng khi bệnh nhân có biến động, họ cố giấu đi sự mệt mỏi để chăm sóc bệnh nhân”, anh Đ. nghẹn giọng nói.
Theo anh Đ. điều quan trọng nhất để chiến thắng được Covid-19 chính là sự lạc quan, niềm tin. Chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý. Sau 21 ngày điều trị, anh Đ. được xuất viện về nhà cách ly theo quy định.
"Chiến sĩ áo trắng" trở thành người thân
Cũng giống như anh Đ., thời điểm biết mình bị mắc Covid-19, tâm lý của chị N.T.M. trú tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An rất nặng nề. Bản thân chị mắc Covid-19 vì liên quan đến chợ đầu mối Vinh vào ngày 24/6.
“Thời điểm bị mắc Covid-19 tôi suy sụp lắm, tôi lo nghĩ rất nhiều. Thương nhất là đứa cháu mới 3 tuổi, con của em trai tôi cũng bị mắc Covid-19 từ tôi. Suốt cả quá trình điều trị tôi luôn suy nghĩ, lo lắng”, chị M. chia sẻ.
Chị M. và cháu gái 3 tuổi được nhập viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để điều trị. Điều trị được mấy ngày, cả chị M. và cháu được chuyển đến bệnh viện Dã chiến Số 1 ở huyện Hưng Nguyên để điều trị.
“Ở đây các bác sĩ chăm sóc tận tình, hỏi thăm quan tâm chu đáo lắm. Họ ân cần như thế nên tâm lý bệnh nhân thoải mái hơn. Không có người thân bên cạnh nhưng tôi không còn cảm thấy cô đơn nữa, y bác sĩ ở viện đã thành người nhà của bệnh nhân. Họ quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ… Họ cũng làm việc quá công suất, cũng mệt mỏi, cũng nhớ con và gia đình. Tuy nhiên, vì để động viên tinh thần bệnh nhân, họ giấu sự mệt mỏi và nỗi nhớ nhà để chăm sóc chúng tôi tốt nhất”, chị M. ngân ngấn nước mắt chia sẻ.
Theo các bệnh nhân điều trị Covid-19, trong cuộc chiến này, những chiến sĩ áo trắng là người vất vả nhất. So với những gì bệnh nhân phải trải qua thì áp lực của bác sĩ còn gấp bội phần. Với họ một ngày là 24 giờ không phân biệt đêm ngày. Lúc mệt mỏi chỉ ngả lưng chợp mắt một chút rồi lại lao vào công việc vì bệnh nhân luôn cần họ.
“Chính sự tận tuỵ, động viên, khích lệ của bác sĩ đã giúp bệnh nhân chúng tôi có thêm niềm tin và tiếp nhận phác đồ điều trị một cách tích cực nhất. Vì vậy chúng tôi luôn cố gắng tuân thủ chỉ dẫn của y bác sĩ để nhanh chóng khỏi bệnh”, chị M. cho biết.
Trong cuộc chiến này, không ai muốn mình là bệnh nhân Covid-19. Nhiều bệnh nhân không may mắc phải họ có những áp lực rất lớn. Thậm chí, họ từng nghĩ mình cô đơn trong cuộc chiến này. Chính sự đồng cảm và chia sẻ của côgj đồng, của những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu là sức mạnh cho họ vượt qua tất cả, chiến thắng bệnh tật.
“Tôi đặc biệt cảm ơn đội ngũ bác sĩ đã tận tình chăm sóc chu đáo trong 45 ngày tôi ở bệnh viện. Nhờ có sự động viên, khích lệ và chăm sóc ân cần của y bác sĩ tôi mới chiến thắng được bệnh tật. Cuộc chiến Covid-19 còn kéo dài khi là bệnh nhân chúng tôi hiểu nỗi vất vả của các bác sĩ, chỉ mong mọi người trong xã hội tuân thủ quy định phòng, chống dịch để bình an mau chóng trở lại”, chị M. chia sẻ.
Tác giả: Hà Thị Hằng
Nguồn tin: nguoiduatin.vn