Vì sao Bộ trưởng Giáo dục yêu cầu chấm dứt học theo văn mẫu?
- 16:46 17-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Học sinh học Văn theo bài mẫu. |
Phụ huynh ngán ngẩm vì con học Văn theo bài mẫu
Chị Đặng Thu Hương, có con học lớp 4, một trường tiểu học tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) nói rằng, từ lớp 2 con bắt đầu làm quen với việc viết bài Văn ngắn trong bộ môn Tiếng Việt. Ở lớp 2, học sinh chỉ kiểm tra Toán và Tiếng Việt để lấy điểm cuối kỳ, cuối năm. Do đó, khi dạy học sinh về các chủ đề như: Tả người thân; Tả về mùa hè; Tả về công việc người thân… giáo viên đã chữa đi chữa lại các dạng bài mẫu với khoảng 6-8 câu.
Học sinh học đi học lại đến thuộc lòng, khi kiểm tra, đề yêu cầu chủ đề nào thì chỉ cần nhớ lại và viết. Do đó, đa số học sinh đều đạt điểm cao. Cách học này được duy trì lên lớp 3 và lớp 4. “Khi về nhà, mẹ hướng dẫn con làm văn theo cảm nhận, miêu tả con giãy nãy lên vì sợ sai ý của cô sẽ không đạt điểm tối đa. Vì thế, sau này mình đành để con chép theo bài mẫu”, chị Hương nói.
Không riêng chị Hương, nhiều phụ huynh cũng chán ngán với cách học Ngữ văn của con ở trường phổ thông. Cùng học để thi tuyển lớp 10, chị Phạm Thị Nga, ở quận Đống Đa cũng nói rằng, con học Văn mà ghi nhớ như Lịch sử. Ví dụ một bài viết, mở bài của bài này phải bao gồm ý gì; thân bài gồm mấy đoạn, đoạn 1, đoạn 2…ra sao… “Cách học như vậy khiến khả năng cảm thụ Văn học của con rất yếu và lười đọc sách, nhất là các tác phẩm văn học hay”, chị Nga nói.
Giáo viên, trường học chạy đua thành tích
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Trung học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã yêu cầu các nhà trường chấm dứt việc học theo Ngữ văn theo bài mẫu.
Cụ thể, Bộ trưởng lưu ý với giáo dục Trung học trong năm học 2021-2022 cần quan tâm tới tinh thần học thật, thi thật. Theo đó, các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra đánh giá sao cho đúng và thực chất.
Quá trình dạy học cũng cần quan tâm tới thực tiễn, trải nghiệm; chú ý đến việc tự học; chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách, củng cố dạy tiếng Việt và phát triển toàn diện cho học sinh. Riêng với môn Ngữ văn, Bộ trưởng yêu cầu cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Cô Trần Thành, giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, dạy và học văn theo bài mẫu là căn bệnh kéo dài, khó chữa ở các trường phổ thông. Nhiều năm dạy và chấm thi cô bắt gặp nhan nhản bài làm văn của học trò sao chép y nguyên bài mẫu. Ngay trong một lớp học, học sinh cũng có những bài bài kiểm tra viết na ná nhau.
Theo cô Thành, nguyên nhân đầu tiên là do quá trình dạy học giáo viên, nhà trường chạy theo bệnh thành tích. Muốn học sinh đạt điểm cao, giáo viên bằng mọi cách luyện cho học sinh viết dài, học thuộc để đạt điểm 10 mà không chú trọng đến việc dạy học sinh đọc văn, cảm thụ tác phẩm.
Thứ 2 là do học sinh đi học thêm, được luyện trong các lò luyện thi. Có thầy giáo dạy sang sảng câu “Dữ dội và dịu êm” trong tác phẩm thơ Sóng của Xuân Quỳnh đó là miêu tả tâm lý phụ nữ. Yêu cầu học sinh phải nắm được tâm lý đó để đi tán gái. Cách dạy như thế học sinh rất thích nhưng không giúp học sinh phân tích, cảm thụ được tác phẩm.
Cô Thành cũng nói rằng, trong chương trình GDPT mới, SGK lớp 6 đã bắt đầu đổi mới cách dạy và học Văn. Cách dạy và học sẽ dần chuyển sang hướng phát huy năng lực học sinh, hạn chế sự thụ động, học theo văn mẫu. Để có hiệu quả, giáo viên các lớp 7, 8, 9 hay THPT cũng cần dần thay đổi để đón lứa học sinh đổi mới từ lớp 6.
Tuy nhiên, cô Thành cũng lo ngại, việc thay đổi sẽ có phần khó khăn bởi hiện nay vẫn đầy rẫy lò luyện thi văn mẫu; nhà nhà viết văn mẫu để bán, sách mẫu có mặt ở mọi nơi…”Muốn thay đổi, đầu tiên giáo viên phải không ngừng nâng cao năng lực, thay đổi cách dạy học, chấm điểm. Nhà trường và các cơ quan quản lý cần bỏ bệnh thành tích, thi đua để dạy thực chất. SGK mới phải tạo được nền móng để dần thay đổi từ lứa học sinh lớp 6 năm nay”, cô Thành nói.
Tác giả: Hà Linh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong