Vụ nuôi nhốt 17 con hổ ở Nghệ An: Chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?
- 08:32 07-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Như đã đưa tin, trước đó, sáng 04/8/2021, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra đột xuất và phát hiện tại nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hiền và bà Hồ Thị Thanh (trú tại xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành) đang nuôi nhốt 14 con hổ trưởng thành, trọng lượng gần 200 kg/con. Cùng thời gian trên, lực lượng công an phát hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Định (trú tại xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, huyện Yên Thành) nuôi nhốt 3 con hổ trọng lượng từ 225 đến 265 kg.
Sau khi bắt giữ, lực lượng chức năng đã bắn thuốc mê, đưa 17 con hổ về Khu Sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chăm sóc để phục vụ công tác điều tra.
Công an phát hiện, bắt giữ vụ nuôi nhốt trái phép 17 con hổ tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành) |
Việc nuôi nhốt hổ trái phép ngay trong khu dân cư, không chỉ vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn cho người dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, 2 hộ gia đình xây dựng hầm cách âm để nuôi nhốt.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn gốc hổ chủ yếu đưa từ Lào về, sau đó được các hộ dân vỗ béo rồi xẻ thịt, nấu cao bán kiếm lời. Anh Th, ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu chia sẻ rằng: "Bên nước Lào người ta nuôi nhiều hổ, hổ nhỏ được mua với giá rẻ từ Lào đưa về, do nuôi nhốt, cho ăn nhiều nên trọng lượng tăng rất nhanh. Một con hổ nếu chăm sóc tốt, chỉ trong 1 năm trọng lượng có thể lên đến 2 đến 2,5 tạ. Lợi nhuận từ việc nuôi, bán hổ rất cao nên không ít người đổ tiền đầu tư, xây dựng hầm, hệ thống chuồng trại để nuôi hổ như... nuôi lợn”.
Trước đó, vào thời kỳ năm 2012, dư luận xứ Nghệ cũng từng “sục sôi” với câu chuyện nuôi hổ trái phép tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành), lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An khi đó vào cuộc nhưng chỉ thu giữ được 4 con hổ. Câu chuyện sau đó “lắng xuống” thì gần 10 năm sau lại phát hiện ra vụ nuôi 17 con hổ nói trên gây “chấn động” dư luận.
Đã từ lâu, câu chuyện nuôi hổ, vận chuyển hổ đem bán, nấu cao xảy ra tại các huyện như Diễn Châu, Yên Thành và nhiều huyện, thị khác của tỉnh Nghệ An là câu chuyện không hiếm gặp.
Điển hình như vào đầu năm 2017, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (Bộ Công an) bắt quả tang vụ giết thịt 5 con hổ tại nhà ông Cao Xuân Toàn (trú tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu) để nấu cao. Hay đầu năm 2021, Công an Hà Tĩnh kiểm tra nhà riêng của ông Đinh Nhật Nghệ (ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), phát hiện tại khu nhà vệ sinh có một con hổ đã chết nặng đến 2,5 tạ. Ông Nghệ khai mua con hổ nói trên từ tỉnh Nghệ An với số tiền hàng tỷ đồng về để xẻ thịt nấu cao bán kiếm lời.
Tình trạng nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép liên tục bị phát hiện ở Nghệ An |
Hay mới cách đây ít ngày, vào ngày 01/8/2021, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra xe mang BKS 37A-032.58 do 2 đối tượng Trần Trung Hiếu (SN 1984, trú thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Lai (SN 1967, trú xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) điều khiển đang vận chuyển trái phép 3 con hổ con không có thủ tục giấy tờ từ thị trấn Hương Sơn, huyện Hương Sơn đi qua địa bàn Nghệ An để tiêu thụ thì bị bắt. Mục đích các đối tượng vận chuyển 7 con hổ con nói trên về Nghệ An sau đó được khai là để bán cho người có nhu cầu nuôi nhốt số cá thể động vật hoang dã này.
Liên quan đến vụ nuôi nhốt 17 con hổ vừa mới bị công an phát hiện vừa qua. Ngoài những người hàng xóm tỏ ra bất ngờ về sự việc thì khi trả lời báo chí, chính quyền sở tại và các ngành chức năng đều trả lời “không biết”, “không phát hiện”…
Như ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, “chữa cháy” rằng: "Chúng tôi không nắm được thông tin các hộ dân trên địa bàn nuôi hổ trái phép…".
Còn ông Hồ Văn Quỳ - Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Thành thì cho hay: "Hàng năm chúng tôi đã yêu cầu người dân ký cam kết, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng hộ dân về việc nuôi nhốt động vật trái phép. Chúng tôi quản lý nhà nước trên địa bàn nên sau khi xảy ra sự việc bắt 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép ở xã Đô Thành, chúng tôi cũng phải chịu sự liên đới về trách nhiệm. Từ đầu năm nay, chúng tôi có tham mưu cho huyện thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra một số hộ có thông tin nuôi nhốt động vật trái phép, khi đến kiểm tra thì không phát hiện một hộ gia đình nào nuôi nhốt hổ cả".
Hạt Kiểm lâm Yên Thành cũng như các cơ quan chức năng không hề hay biết việc có tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép? |
Trong khi ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng, để xảy ra sự việc này là do chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm. Cơ quan công an đang điều tra, sau khi có kết luận sẽ làm rõ trách nhiệm các bên liên quan.
Sau khi sự việc đã “vỡ lẽ”, đến thời điểm hiện tại dù chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan có giải thích như thế nào thì câu chuyện cũng “đã rồi”. Tuy nhiên, dư luận vẫn không khỏi băn khoăn vì sao vai trò của các bên liên quan có thể bị “triệt tiêu” một cách dễ dàng đến thế tại địa phương đã có “truyền thống” về việc nuôi hổ trái phép như như xã Đô Thành. Phải chăng đây lại là một câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”?
Theo thông tin mới nhất, trong tổng số 17 con hổ bị bắt giữ rồi tiêm thuốc mê để đưa ra Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu) để phục vụ công tác điều tra thì đến nay đã có 8 con bị chết chưa rõ nguyên nhân. |
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường