Nhiều con hổ bị chết sau ‘giải cứu’ ở Nghệ An, trách nhiệm thuộc về ai?
- 07:02 07-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An, trong khi đưa đến Khu du lịch sinh thái Mường Thanh (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An) để chăm sóc, 8/17 con hổ đã bị chết chưa rõ nguyên nhân. Hiện xác những con hổ này đã được cấp đông để phục vụ công tác điều tra.
“Trước khi đưa 17 cá thể hổ về khu sinh thái, hổ được tiêm thuốc mê, vậy nguyên nhân hổ chết do đâu? Cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân, liệu có hành vi tác động của con người dẫn đến cái chết của hổ? Hổ là động vật hoang dã cần phải bảo tồn bảo vệ, đây là một thành phần trong hệ sinh thái tự nhiên”, luật sư Hoàng Tùng đề nghị.
Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Công ty Luật TNHH Sao Sáng cho biết: "Nhiều cá thể hổ bị chết trong quá trình giải cứu nên cần phải xem xét. Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An đã thực hiện đúng thủ tục, quy trình giải cứu hay chưa? Trường hợp chưa xử lý đúng quy định pháp luật, lực lượng chức năng phải chịu trách nhiệm”.
Điều 14, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 về thủ tục cứu hộ đối với loài hổ quy định: Các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài được ưu tiên bảo vệ bị mất nơi sinh sống tự nhiên. Sau khi tịch thu, nếu động vật còn khỏe mạnh, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh xem xét quyết định thả lại nơi sinh sống tự nhiên phù hợp.
Trường hợp không đảm bảo điều kiện để thả lại nơi sinh sống tự nhiên do bị thương, bị bệnh thì đưa vào cơ sở cứu hộ để cứu chữa, nuôi dưỡng. Cơ sở cứu hộ khi nhận được thông báo phải cứu hộ kịp thời, lập hồ sơ theo dõi đối với từng cá thể loài được cứu hộ và thông báo cho cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh.
Sau khi cá thể loài được cứu hộ đã phục hồi, cơ sở cứu hộ phải báo cáo cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh. Sau 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề xuất, cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc thả lại nơi sinh sống tự nhiên của loài hoặc chuyển tới cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp. Trường hợp cá thể loài cứu hộ bị chết trong quá trình cứu hộ, cơ sở cứu hộ phải báo cáo với cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh xem xét hoặc chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường chuyên ngành để nghiên cứu, lưu giữ….
Trước đó sáng 4/8, Công an tỉnh Nghệ An đã kiểm tra đột xuất, phát hiện nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Cụ thể: Tại cơ sở của Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1982) và Hồ Thị Thanh (sinh năm 1990) xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành, lực lượng công an bắt quả tang chủ cơ sở này đang nuôi nhốt 14 cá thể hổ Đông Dương trưởng thành. Cùng thời gian trên, lực lượng công an cũng bắt quả tang tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Định (sinh năm 1971) xóm Phú Xuân, xã Đô Thành, Yên Thành đang nuôi nhốt 3 cá thể hổ Đông Dương.
Tổng số có 17 cá thể hổ trưởng thành bị phát hiện, bắt giữ. Cùng ngày, số hổ nói trên đã được vận chuyển tới Khu sinh thái Mường Thanh tại Diễn Lâm (Diễn Châu) gửi chăm sóc, phục vụ công tác điều tra.
Theo lời khai các đối tượng, để tránh không bị lực lượng chức năng phát hiện, các cá thể hổ được vận chuyển bí mật từ Lào về Việt Nam khi còn nhỏ. Chủ cơ sở đã xây dựng các hệ thống tầng hầm kín ngay trong khuôn viên, trung bình mỗi hầm có diện tích từ 80m2 đến 120m2 để nuôi nhốt. Tại thời điểm bắt giữ, mỗi cá thể hổ có trọng lượng từ 200 kg đến 265 kg.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: baotintuc.vn