Gần 50 thi thể nổi trên sông ở Sudan, nghi là người chạy từ Tigray
- 10:46 03-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Guardian dẫn lời một quan chức Sudan cho biết một số thi thể được phát hiện có vết thương do đạn bắn hoặc bị trói tay, và hiện cần điều tra pháp y để xác định nguyên nhân cái chết của những người này.
Hai nhân viên y tế người Ethiopia tại cộng đồng Hamdayet ở biên giới Sudan xác nhận đã nhìn thấy các thi thể ở sông Setit, còn được gọi là sông Tekeze ở Ethiopia.
Con sông chảy qua một số khu vực hiểm trở nhất của cuộc xung đột kéo dài 9 tháng tại Tigray, nơi người dân tộc Tigray cáo buộc chính phủ Ethiopia và các lực lượng đồng minh có hành động bạo lực.
Người Ethiopia ở sông Tekeze, còn được gọi là sông Setit, chảy từ vùng Tigray ở nước này đến nước láng giềng Sudan. Ảnh: Reuters. |
Nói với AP, Tewodros Tefera, bác sĩ phẫu thuật từng chạy trốn khỏi thành phố Humera của Tigray gần đó để đến Sudan, cho biết hai trong số các thi thể được phát hiện ngày 2/8, bao gồm một người đàn ông bị trói tay và một người phụ nữ có vết thương ở ngực.
Những người tị nạn ở khu vực này đã chôn cất 10 thi thể khác, ông Tewodros Tefera nói.
Bác sĩ này cho biết các thi thể được tìm thấy ở hạ nguồn sông chảy từ thành phố Humera. Rất khó để xác định danh tính của các thi thể này, nhưng một người trong số đó có hình xăm tên Tigrinya trên cánh tay.
Một bác sĩ khác làm việc ở Hamdayet cũng nhìn thấy những thi thể nói trên. Nói với AP, người này cho biết một số thi thể có dấu vết trên mặt cho thấy họ là người dân tộc Tigray.
Nhân chứng sống gần con sông này cho biết họ không thể vớt được hết thi thể trôi xuống hạ lưu vì bây giờ là mùa mưa, nước chảy rất xiết.
Giao tranh ở Tigray đã nổ ra vào tháng 11 giữa lực lượng liên bang Ethiopia và đảng cầm quyền của khu vực này, tức Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF).
TPLF là tổ chức nắm quyền kiểm soát khu vực trên trong hơn 3 thập niên, cho đến khi Thủ tướng Abiy Ahmed lên nắm quyền vào năm 2018.
Xung đột nổ ra do ông Ahmed có đường lối trái ngược, dẫn đến mâu thuẫn sắc tộc sâu sắc. Bên cạnh đó, quân đội Ethiopia cũng nhận được sự hậu thuẫn từ nước láng giềng Eritrea.
Cùng với giao tranh, hàng loạt vụ thảm sát cũng đã xảy ra tại Tigray. Một nghiên cứu của Đại học Ghent (Bỉ) cho biết ít nhất 1.900 người dân Tigray bị giết hại trong hơn 150 cuộc thảm sát, song chưa thể kết luận bên nào chịu trách nhiệm.
Tác giả: Hương Ly
Nguồn tin: zingnews.vn