Trung Quốc xây "khách sạn heo" 13 tầng để ngăn dịch bệnh
- 07:10 03-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo hãng tin Bloomberg hôm 1-8, Trung Quốc đang chú trọng tới vấn đề an toàn sinh học cho heo. Một toà nhà 13 tầng được xây dựng ở miền Nam Trung Quốc, chứa hơn 10.000 con heo. Nơi này có lối ra vào hạn chế, camera an ninh, dịch vụ thú y nội bộ và bữa ăn được chuẩn bị cẩn thận.
Đây là một trong những "khách sạn" nhằm bảo vệ heo khỏi virus gây bệnh, bao gồm cả dịch tả heo châu Phi khiến Trung Quốc mất đi một nửa số heo trên cả nước trong vòng 2 năm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
"Khách sạn heo" được ví như trang trại thẳng đứng khổng lồ. Nó tích hợp các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt mà nhiều nhà cung cấp lớn ở các quốc gia khác sử dụng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
"Khách sạn heo" được ví như trang trại thẳng đứng khổng lồ. Ảnh: Reuters |
Những con heo di chuyển giữa các tầng bằng thang máy. Ảnh: Reuters |
New Hope Group gần đây đã hoàn thành 3 tòa nhà 5 tầng trên diện tích bằng 20 sân bóng đá (140.000 m2) ở quận Bình Quan, phía Đông thủ đô Bắc Kinh. Cơ sở này dự kiến cung cấp khoảng 120.000 con heo mỗi năm, trở thành cơ sở lớn nhất ở khu vực Bắc Kinh. Ông Gong Jingli, làm công việc giám sát, cho biết cơ sở được trang bị robot để phát hiện heo bị sốt, máy lọc không khí, hệ thống cho ăn và khử trùng tự động.
Xây dựng theo chiều dọc là một lựa chọn phổ biến ở Trung Quốc vốn thiếu nhiều không gian trống. Đô thị hóa nhanh chóng làm giảm diện tích đất dành cho nông nghiệp, trong khi các quy định về môi trường khiến việc chăn nuôi động vật ngày càng khó khăn ở các khu vực đô thị.
Ông Gong cho hay các khu nhà cao tầng có thể cắt giảm 1/3 diện tích sử dụng đất nông nghiệp so với trang trại truyền thống với cùng số lượng heo. Thêm vào đó, nó có sự linh hoạt về vị trí vì có thể xây dựng trên núi. Nước thải từ các cơ sở như ở quận Bình Quan sẽ được xử lý để tưới cho các vườn cây ăn quả lân cận, còn chất thải rắn trở thành phân bón.
Heo con bú sữa mẹ tại "khách sạn heo" ở Quảng Tây. Ảnh: Reuters |
Ông Rupert Claxton, đến từ Công ty tư vấn Gira, cho biết Trung Quốc đang sao chép các phương pháp hiệu quả nhất từ châu Âu và Mỹ để thu hẹp khoảng cách về an toàn sinh học. "Trong 20 năm, họ đã hoàn thành điều mà người Mỹ có lẽ mất 100 năm để thực hiện" - ông Claxton nói.
Tuy nhiên, mối đe dọa từ virus vẫn tồn tại. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hồi tháng 7 cho biết 11 sự cố đã được báo cáo kể từ đầu năm nay khiến hơn 2.000 con heo bị tiêu hủy. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, sự xuất hiện của các chủng virus mới có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và thời gian ủ bệnh lâu hơn đang làm nỗ lực phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trở nên phức tạp.
Ở các nước phát triển, heo được nuôi trong các trang trại lớn. Chẳng hạn Mỹ, Đan Mạch và Hà Lan, những quốc gia có tiêu chuẩn an toàn sinh học tốt nhất thế giới, chưa bao giờ báo cáo một đợt bùng phát dịch tả heo châu Phi nào trong những năm gần đây.
Tại Trung Quốc, heo đóng vai trò là nguồn cung cấp thịt chính. Tính đến năm 2020, 57% sản lượng heo của cả nước đến từ các trang trại cung cấp hơn 500 con heo mỗi năm. "Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Xây dựng lại ngành thịt heo là ưu tiên quốc gia của chính phủ" - TS David Ortega tại Trường ĐH bang Michigan (Mỹ) bình luận.
Tác giả: Phạm Nghĩa
Nguồn tin: Báo Người lao động