30 tỉ đồng đầu tư cho Ánh Viên đã đi đâu?
- 15:11 02-08-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
VĐV Ánh Viên. Ảnh: VGP |
Olympic Tokyo 2020 thêm một lần nữa chứng kiến những thất bại của Ánh Viên. Đó là thất bại được báo trước nên không khiến nhiều người bất ngờ. Thậm chí một bộ phận chuyên môn đã đưa ra nhận định, Ánh Viên tham dự kỳ Thế vận hội tại Nhật Bản chỉ cho đủ suất.
Kết quả, ở cả hai nội dung 200m và 800m tự do, Ánh Viên không vượt qua vòng loại và vượt qua được chính thành tích cá nhân cô. Hình ảnh Ánh Viên về cuối làn bơi với khoảng cách mênh mông với các đối thủ đã phản ánh thực trạng của ngành thể thao Việt Nam.
Cách đây 5 năm, tại Olympic Rio 2016, Ánh Viên cũng nhận thất bại. Dù thành tích ở kỳ Thế vận hội đó đã được cải thiện nhưng cô không thể vượt qua được vòng loại. Sau kỳ Thế vận hội đó, Ánh Viên đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ. Nhưng câu hỏi được đặt ra, do thực lực của Ánh Viên đã chạm ngưỡng hay chiến lược đầu tư của ngành thể thao có vấn đề?
Ánh Viên là vận động viên được đầu tư “khủng” nhất trong lịch sử ngành thể thao Việt Nam. Cô bắt đầu tập huấn tại Mỹ từ năm 2012. Từ năm 2014, Tổng cụ Thể dục Thể thao cùng với ngành thể thao quân đội đã đầu tư nguồn kinh phí lớn để Ánh Viên tập huấn tại Mỹ. Có những năm nguồn kinh phí đầu tư rơi vào 4-5 tỉ đồng.
Như năm 2018, nguồn kinh phí đầu tư cho Ánh Viên để hướng đến ASIAD 18 lên đến 350.000 USD (khoảng 8 tỉ đồng). Năm 2019, kinh phí ngành thể thao cấp cho bộ môn bơi là 270.000 USD, riêng khoản đầu tư cho Ánh Viên là 170.000-180.000 USD.
Nguyễn Thị Ánh Viên chính thức dừng tập huấn tại Mỹ để về tập luyện tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2020. Tổng số kinh phí đầu tư liên tục cho Ánh Viên trong thời gian đó rơi vào khoảng 20-30 tỉ đồng.
Đây là một kinh phí đầu tư “khủng” với một vận động viên trong lịch sử thể thao Việt Nam. Thế nhưng số tiền đầu tư đó dường như đã không để Ánh Viên “bơi” ra sân chơi Olympic.
Thành tích của Ánh Viên đã ở đâu trong 10 năm qua? Đó là số huy chương được rải đều trong 4 kỳ SEA Games từ 2013 đến 2019. 25 tấm Huy chương Vàng là thành tích Ánh Viên giành được ở sân chơi mang tính “ao làng”.
Sau SEA Games 2015, kỳ đại hội mà Ánh Viên bước lên đỉnh cao khi giành 8 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng, đã có những ý kiến đến từ các chuyên gia và giới chuyên môn đóng góp với ngành thể thao rằng, cần có những sự chuyển hướng về đầu tư và định hướng để Ánh Viên hướng đến sân chơi châu lục và Olympic.
Thế nhưng, áp lực thành tích khiến cho Ánh Viên luôn bị giao “gánh” chỉ tiêu từ 8-10 huy chương vàng ở mỗi kỳ SEA Games sau đó. Hay đó là câu chuyện ngành thể thao đã đặt sự tin tưởng tuyệt đối vào huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn trong suốt quá trình tập huấn tại Mỹ với cách thức “1 thày 1 trò”. Đây là điều hiếm gặp trong ngành thể thao.
Phải đến năm 2019, sau khi Ánh Viên trở về với thất bại ở giải vô địch thế giới, ngành thể thao mới nhìn thẳng vào sự thật. “Ánh Viên chạm ngưỡng do tầm vóc con người và nhiều hạn chế khác. Hàng tuần, chúng tôi vẫn nhận được báo cáo về quá trình tập luyện, ăn ngủ nghỉ, điểm rơi phong độ của Ánh Viên từ huấn luyện viên trưởng, nhưng phải thừa nhận, Ánh Viên đã chạm ngưỡng rồi”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn nói.
Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh phân tích: “Ánh Viên năm nay 25 tuổi (qua đỉnh cao). Trong nước, có những giải đấu Ánh Viên phải tham gia tới 25 - 27 nội dung. Còn tại SEA Games, Ánh Viên cũng phải chơi hơn 10 nội dung. Như vậy, chúng ta đang bị trải dài về thành tích chứ không biết cách tập trung cho Olympic”.
Trách nhiệm lớn thuộc về ngành thể thao trong việc định hướng đầu tư. Ánh Viên là tài năng hiếm có mà sẽ rất lâu thể thao Việt Nam mới có được. Cô hoàn toàn có tiềm năng để cạnh tranh huy chương ASIAD, hoặc ít ra cũng vào đến vòng chung kết ở Olympic nếu được định hướng trọng tâm cho những sân chơi này.
Nhưng rốt cuộc, 30 tỉ đồng mà Ánh Viên được đầu tư chỉ cô ngụp lặn mãi ở “ao làng” SEA Games.
Tác giả: PHẠM ĐÌNH
Nguồn tin: Báo Lao Động