Phát hiện loài cá taxon độc nhất ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
- 13:22 29-07-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 28/7, ông Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt cho PV Dân trí biết, với việc phát hiện nhiều loài cá mới có ý nghĩa hết sức quan trọng cho dữ liệu khoa học về giá trị bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và khu hệ cá nói riêng ở Khu bảo tồn này.
Theo ông Sinh, với sự hỗ trợ từ Dự án sự nghiệp môi trường tỉnh Nghệ An, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã tiến hành nhiều đợt khảo sát để thu thập mẫu cá trong hệ thống suối thuộc Khu BTTN Pù Hoạt; từ đó lập danh lục cá và xác định các loài cá có ý nghĩa bảo tồn ở khu vực nghiên cứu.
Cá taxon (còn gọi là cá sóc) độc nhất ở Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. |
"Cá là nguồn thực phẩm lâu đời của con người; không những thế trong y học phương Đông, nhiều loài cá được dùng làm thuốc chữa bệnh. Vì vậy, việc tiến hành sưu tập và phân loại cá nhằm bảo vệ và khai thác chúng một cách có hiệu quả là rất cần thiết.
Trên phương diện sinh thái học, cá là mắt xích rất quan trọng trong chuỗi lưới thức ăn tự nhiên; bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm có liên quan hết sức mật thiết với việc bảo tồn cá tự nhiên. Đây là lý do quan trọng để tiến hành sưu tập và phân loại cá trong các khu bảo tồn ở nước ta; trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt", ông Sinh chia sẻ.
Người đứng đầu Khu BTTN Pù Hoạt cho biết: "Kết quả điều tra trong 3 đợt khảo sát chúng tôi đã sưu tầm được 693 mẫu cá trong hệ thống khe suối tại Khu BTTN Pù Hoạt. Qua kết quả điều tra nghiên cứu, chúng tôi đã lập được danh lục gồm 48 loài cá thuộc 40 giống, 15 họ và 5 bộ; trong đó có 4 phênon mới định danh đến giống. Những dẫn liệu khoa học này sẽ góp phần định hướng công tác bảo tồn đa dạng sinh học cá tại Khu BTTN chúng tôi".
Cũng theo ông Sinh, trong tổng số 48 loài cá ghi nhận được, 2 loài có tên trong danh lục đỏ của IUCN-2020 (cá trôi và cá chạch vây bằng vẩy bu-xây), 1 loài trong Sách đỏ Việt Nam-2007 (cá lăng chấm), 1 loài là taxon độc nhất (gọi là cá sóc), 18 loài cá có giá trị kinh tế cao. Đây là 18 loài cá cần được ưu tiên trong triển khai công tác bảo tồn đa dạng sinh học cá tại Khu BTTN Pù Hoạt.
So với các kết quả điều tra cá ở khu vực Tây Bắc Nghệ An trước đó; kết quả điều tra năm 2020 đã ghi nhận lại 39 loài và bổ sung 8 taxon cá (loài và giống) cho khu vực Tây Bắc Nghệ An.
Các taxon cá lần đầu tiên ghi nhận ở Tây Bắc Nghệ An bao gồm 6 loài (cá đục đanh chấm Hải Nam, cá chạch vây bằng vẩy lan cang, cá chạch vây bằng vẩy Quảng Tây, cá chạch vây bằng vẩy bu-xây và cá chiên thác bẹt, cá chiên suối) và 2 giống (cá bám khuyết và cá chiên bẹt).
Khu BTTN Pù Hoạt thuộc vùng đầu nguồn của hai hệ sông. Hệ sông Chu bắt nguồn từ phía Tây Pù Hoạt (Lào) đến khu bảo tồn rồi sang địa phận Thanh Hóa, với chiều dài hơn 64 km. Dọc hai bên sông, bên các suối lớn là vùng sinh sống và canh tác của cộng đồng các dân tộc thuộc xã Thông Thụ và xã Đồng Văn, thuộc huyện biên giới Quế Phong.
Hệ sông Hiếu bắt nguồn từ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, có diện tích lưu vực chiếm khoảng 30% diện tích khu bảo tồn, với các chi lưu Nậm Việc, Nậm Giải, Nậm Quàng (huyện Quế Phong). Chính vì thế mà hệ cá suối tại khu vực này rất đa dạng và phong phú.
Khu BTTN Pù Hoạt cách thành phố Vinh khoảng 170 km về phía Tây Bắc, cách quốc lộ 1B (đường Hồ Chí Minh) theo đường 48 đi vào từ thị xã Thái Hòa khoảng 80 km. Khu vực có nhiệt độ bình quân năm là: 23,1độ C, nhiệt độ tối cao vào mùa hè là 41,3 độ C, nhiệt độ tối thấp vào mùa đông là 10 độ C; độ ẩm bình quân năm 86%; lượng mưa bình quân năm là: 1.734,5mm. |
Một số hình ảnh về các loài cá mới ghi nhận trong Khu BTTN Pù Hoạt
Cá đục đanh chấm Hải Nam. |
Cá bám khuyết. |
Cá chạch vây bằng vẩy lan cang. |
|
Cá chạch vây bằng vẩy Quảng Tây. |
Cá chiên suối. |
Cá chiên thác bẹt. |
Cá chiên bẹt. |
Cá đo. |
Cá mịt tròn. |
Cá lúi, còn gọi là cá dầm đất. |
Cá lăng chấm. |
Tác giả: Nguyễn Duy
Nguồn tin: Báo Dân trí