Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chàng trai băng rừng lội suối vào tâm dịch, đều đặn mang cơm cho vợ chồng cụ ông trăm tuổi

Hơn 3 năm làm công tác Đoàn ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An), Trần Minh Hạnh (SN 1995, ở TP Vinh) luôn xung kích trên mọi mặt trận. Dịch COVID-19 “gõ cửa” bản nghèo Chằm Puông (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương), chàng trai trẻ tình nguyện xin vào tâm dịch.

Băng rừng, lội suối hỗ trợ truy vết

“Những ngày gắn bó với bà con bản Chằm Puông mới thấm hết nỗi khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Là người cán bộ Đoàn, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xác định rõ tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch”, Trần Minh Hạnh, Uỷ viên Ban thường vụ Huyện đoàn Tương Dương (Nghệ An) chia sẻ.

 Trần Minh Hạnh, Uỷ viên Ban thường vụ Huyện đoàn Tương Dương tặng khẩu trang cho bà con dân tộc Khơ mú.

Anh kể, đêm 13/7, bản Chằm Puông xuất hiện 3 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên chưa rõ nguồn lây. Ngay lập tức, bản nghèo bị phong toả, nhiều chốt chặn được lập ra để kiểm soát các cửa ngõ ra vào. Biết tin, anh đã tình nguyện xin vào tâm dịch.

 Trần Minh Hạnh hỗ trợ tuyến đầu điều tra, truy vết ở bản Chằm Puông.

Bất an, lo lắng nhưng với tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, anh lập tức lên đường. “Dịch bệnh ai cũng sợ, tôi cũng vậy. Nhưng với sức trẻ, nhiệt huyết và lòng say mê tình nguyện, tôi muốn góp phần nhỏ vào cuộc chiến chống dịch trên địa bàn”, Hạnh tâm sự.

Từ trung tâm huyện Tương Dương đến xã Lượng Minh mất khoảng 20km đường đồi núi quanh co và phải đi thêm 15km đường núi nữa mới tới được bản Chằm Puông. Địa hình phức tạp, hiểm trở. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, những chiến sĩ vẫn lặng lẽ ngày đêm băng rừng, lội suối lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, nhanh chóng ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

 Hỗ trợ thực phẩm cho bà con bị cách ly

Tham gia cùng lực lượng tuyến đầu “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng hộ”, chàng trai trẻ mới thấu nỗi vất vả, cực nhọc. “Có khi chúng tôi phải đi bộ cả giờ đồng hồ mới tới được nhà dân. Ngày nắng đường đồi dốc, ngày mưa thì trơn trượt khiến quá trình di chuyển gặp nhiều khó khăn. Có hộ ở cách xa, phải lội qua hai con suối mới tới. Nhiều lúc mệt, đuối nhưng chúng tôi không dám nghỉ ngơi, chỉ biết cố hết sức tiến về phía trước, nhanh chóng điều tra, truy vết để cách ly, khoanh vùng”, anh Hạnh bộc bạch.

Không sợ bị nhiễm bệnh

Vốn là người thành phố Vinh, Hạnh lên huyện miền núi Tương Dương công tác Đoàn từ năm 2018 đến nay. Khắc phục những khó khăn khi phải công tác xa gia đình, trở ngại về ngôn ngữ, phong tục tập quán,… Hạnh luôn năng nổ, xung kích trong mọi hoạt động. Khi nghe tin bản nghèo Chằm Puông xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, không chần chừ, Hạnh xin vào tâm dịch ngay.

Chàng Đảng viên trẻ cho biết, một ngày anh làm không hết việc. Ngoài hỗ trợ tuyến đầu điều tra, truy vết, anh còn tích cực tham gia trực chốt, vận chuyển hàng hoá đến khu cách ly, đưa cơm cho những gia đình chính sách, khó khăn và khu cách ly; xuống ruộng cấy lúa, chăm sóc gia súc, gia cầm cho các hộ đi cách ly tập trung,... “Anh em ở đây ai cũng xác định tư tưởng mình là F1, song tất cả đều đồng lòng, hợp sức chống dịch. Dẫu biết nhiệm vụ lần này vất vả, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp xúc mầm bệnh COVID nhưng nếu ngại khó, ngại khổ thì còn chi là người cán bộ Đoàn nữa”, Hạnh cười hiền.

Đều đặn sáng tối, Hạnh mang cơm cho vợ chồng ông Lữ Văn Môn và bà Mong Thị Hương 

Đều đặn sáng tối, Hạnh mang cơm cho vợ chồng ông Lữ Văn Môn và bà Mong Thị Hương. Cả hai ông bà đều hơn trăm tuổi, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bà Hương bị mù còn ông Môn thì điếc. Dịch bùng phát, cả bản bị phong tỏa, các con, cháu là F1 phải đi cách ly tập trung ở huyện, ông bà lo lắm. Lo sợ dịch bệnh, lo sẽ chết đói khi trong nhà giờ không có lấy củ khoai, sắn.

“Nhìn ông bà lủi thủi trong căn nhà sàn không người trông nom, chăm sóc, thương lắm. Hàng ngày, tôi mang cơm qua, tranh thủ cho đàn gà ăn,... Thấy ông bà cười vui tôi cũng ấm lòng”, chàng trai trẻ chia sẻ.

 Người cán bộ Đoàn chăm sóc đàn gà của bà con trong bản

Bản Chằm Puông có 190 hộ với 978 nhân khẩu nhưng trên 75% là hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào Khơ mú, sống dựa vào nương rẫy. Cuộc sống vốn đã rất khó khăn nay lại càng thêm túng quẫn vì dịch COVID-19. Bản hiện có 23 ca bệnh, 214 F1 đang cách ly tập trung và nhiều F2 cách ly tại nhà. Để bà con yên tâm chống dịch, vừa đảm bảo thời vụ, anh Hạnh cùng các chiến sĩ công an đang tham gia chốt trực nhanh chóng “xắn quần lội ruộng” giúp người dân cấy lúa.

 Xuống ruộng cấy lúa giúp người dân bị cách ly ở bản Chằm Puông

“Tôi vui vì những việc mình làm phần nào giúp đỡ được bà con trong lúc khó khăn vì dịch bệnh. Cuộc chiến hẳn còn dài nhưng gian nan chỉ là thử thách nhất thời, rèn thêm sức cho người trẻ chúng tôi. Tôi tin, không chỉ riêng tôi mà bất kỳ một đoàn viên nào cũng sẵn sàng tiên phong, xung kích vào tâm dịch. Tin tưởng rằng, với nhiệt huyết, ý chí quyết tâm của người trẻ sẽ bồi đắp niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19”, Hạnh tâm sự.

Tác giả: Thu Hiền

Nguồn tin: Báo Tiền phong