Kỳ 2: Vì sao có cuộc "đại sát" cây cối trong lòng rừng thăm thẳm?
- 09:40 27-07-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Huôi Mạt đêm không ngủ
Đặt chân đến Huôi Mạt, chúng tôi được vợ chồng anh Lương Văn T cho ở nhờ qua đêm với bữa cơm tối giản dị. Ông Phong, ông Dũng... đều là những người thân quen với vợ chồng anh T, trong căn nhà sàn được dựng sơ sài nơi rừng sâu, công việc hàng ngày của vợ chồng anh T là làm công cho một người ở thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu.
Vợ chồng anh được thuê vừa xẻ phát vừa trồng keo và trông giữ rừng keo. Ở đây không chỉ có vợ chồng anh T, ngay ngôi nhà sàn cách chỗ nhà anh Tuyền, còn có 4 ngôi nhà sàn khác đã được dựng khá lâu, ông Phong bảo những người ở đây đều làm ông cho ông chủ tên H, họ ở đây quanh năm, thi thoảng được tiếp trợ thức ăn, hoặc tự túc về nhà rồi vào.
Ông Phong kể, gia đình đã chọn được một khu đất để dựng nhà, ở lại mỗi khi vào đây làm rừng. Trên mảnh rừng được giao, vừa qua bố con ông xẻ phát thì bị kiểm lâm yêu cầu dừng, không cho làm vì có tranh chấp với ông Nguyễn V. H.
Gia đình ông Phong khẳng định, khoảnh rừng ấy được giao từ năm 2003, nhưng ông H lại cho rằng, đã được giao. Đây là căn nguyên xuất phát tranh chấp và có những lá đơn tố cáo mà ông H và những người khác tại xã Châu Phong gửi các cơ quan chức năng huyện Quỳ Châu và tỉnh Nghệ An.
Ông Phong nói, biết ông H chặt hạ, đốt rừng trồng keo. Trước đó, gia đình ông cũng được tạm giao hàng chục héc ta ở khu vực Huôi Mạt này và đã xẻ phát để trồng keo. Nhưng điều lạ, khi gia đình ông vào làm thì bị ngăn cấm và bắt buộc phải dừng.
Một số gỗ đã được đốt thành than củi và bị mang ra khỏi rừng, một số còn lại bị lửa đốt cháy nham nhở |
Trong căn nhà gỗ, tôi nhìn thấy một khẩu súng cồn tự chế. Tôi hỏi anh T, ở đây chắc còn nhiều thú rừng, chim muông để săn bắn, anh T bảo, súng hết đạn, bày biện cho vui chứ không còn gì mà săn bắn.
Sau bữa cơm với món ăn dân dã đậm chất miền núi bản địa, tôi được thưởng thức nước chè đặc sánh. T bảo, riêng chè ở đây cực kỳ ngon, những lá chè xanh sáng sớm còn đọng sương rừng núi, pha trộn với dòng nước suối sẽ tạo nên một thức uống hết sức đặc biệt mà tôi sẽ không được cảm thấy ngon hơn nếu uống ở vùng miền khác.
Những khoảnh rừng cây khá dày như này cũng bị chặt hạ, đốt phá |
Đêm đó, tôi đã không thể chợp mắt. Bên ngoài những cơn mưa rừng vẫn tầm tã. Ông Phong bảo, cứ mưa lớn như này sợ chúng ta không quay trở ra được, vì phần dưới chân đập Nậm Pông nước sẽ dâng cao... Giữa rừng sâu thăm thẳm, Huôi Mạt đêm ấy tĩnh mịch, vắng lặng, ngoài trời chỉ có những trận mưa rừng nặng hạt.
Còn đâu Pu Cà Tục, Túng Củm, Pà Nhạt!
Hơn 5g, cậu con trai ông Phong đã gọi tôi dậy, năm nay khoảng hơn 35 tuổi, Vi Văn Phi dáng người gầy nhom, nước da ngăm đen thủ thỉ bảo sẽ dẫn tôi mục sở thị những vết tích còn để lại của những lò đốt than tại Huôi Mạt này. Chẳng kịp rửa mặt, tôi được Phi đưa cho cái áo lao động sờn cũ. Hai anh em đội mưa đi qua con suối nhỏ, xuyên vào trong một hẻm núi khá sâu.
Trên đường, tôi thấy có nhiều cây gỗ khá lớn đã bị chặt hạ, đốt cháy nhem nhuốc nằm lấp dưới những cây keo khoảng chừng vài năm tuổi. Có những cây dài tới cả chục mét, đường kính phải gần 1m. Cơn mưa khiến đường đi trơn trượt, Phi nhắc khéo tôi cẩn thận và bước nhanh kẻo vắt rừng bám và cắn.
Tôi khá lo lắng, việc leo một bên sườn dốc cao, trượt chân là bị lăn ngay xuống dưới chân núi. Đi được khoảng 2km đường rừng, Phi chỉ cho tôi khu vực từng bị người ta cưa cây ra từng khúc ngắn rồi đốt làm than củi ngay trong rừng.
Ngoài hố sâu đen trơ trọi, vẫn còn những khúc gỗ ngắn nằm chỏng chơ gần miệng hố đốt. Đảo mắt nhìn xung quanh, tôi thấy bên kia sườn núi này vẫn còn vài khóm cây rừng mọc san sát nhau, thân khá lớn và cao vút.
Nhưng cây gỗ lớn bị chặt hạ, cưa xẻ vuông vức như thế này đã bị dùng đất lấp tạm, nhưng mưa đã khiến chúng lộ thiên |
Vừa đi Phi vừa kể cho tôi việc người ta hạ cây gỗ, rồi cắt từng khúc ngắn khoảng 2m và chất lên hố đào sẵn đốt thành than củi. Giờ này chỉ còn trơ lại những vết tích, khoảng gần 1 năm về trước ở khu vực này người ta xẻ phát và đốt cây nhiều.
Than củi sau đó được vận chuyển ra khỏi rừng. Đất trống sẽ được thay thế bằng việc trồng mới cây keo, do đất ở đây khá tốt, ẩm ướt nên keo nhanh lớn, trong vài năm đã che phủ được sự trơ trọi nhem nhuốc của công cuộc cạo trắng rừng, chỉ còn những vết tích là những gốc gỗ lớn đen kịt và những cây gỗ cháy đen nằm dưới những hàng cây keo.
Sau bữa sáng với măng chua rừng, tôi và Phi cùng một người khác quyết định tiếp tục hành trình thực tế này qua các đỉnh núi mang tên Pu Cà Tục, Túng Củm, Pà Nhạp... còn ông Phong, ông Tuyền, ông Tâm sẽ quay về đường cũ. Hành trình này của chúng tôi sẽ có điểm kết thúc là bản Tằm. Từ đây, mở ra “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Vượt dốc Huồi Mạt, một bên rừng đã trơ trọi, một bên vẫn còn sự nguyên sinh, mưa rừng tầm tã không ngớt. Tôi thấy ngan ngản những khoảng đen của núi rừng hiện hữu, đó là hệ quả sau một cuộc chặt phá, đốt hết sức quy mô. Nhiều cây gỗ chưa kịp đốt thành than, đã được cắt khúc, nằm lăn lóc bên cạnh những khoảnh rừng cây vẫn đứng sừng sững nhưng đã bị lửa đốt dẫn tới chết khô.
Từ đỉnh Pu Cà Tục, trong sương sớm chỉ thấy mùi khét của cây cối. Hiếm hoi lắm tôi lại mới thấy khóm rừng còn nguyên sơ nguyên sinh nằm cheo leo bên sườn dốc cao với số phận cũng hết sức mong manh. Nhìn kỹ, ở những khu vực vừa bị chặt phá, người ta đã trồng cây keo nhỏ, tầm một gang tay.
Những cây gỗ cổ thụ bị chặt hạ trơ gốc, trơ thân ngay giữa đại ngàn Quỳ Châu |
Tiếp tục vượt Pu Cà Tục, sang bên kia sườn dốc cao, khi sương sớm và mưa rừng bắt đầu tạnh, một khoảng không gian lớn dần hiện hữu. Nhưng đó không phải là màu xanh của rừng mà là màu của những ngổn ngang thân gỗ cháy sém. Trải dài từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác là điểm nhấn về một con đường được san ủi khá rộng, hai bên con đường chỉ còn những màu đen, không còn bất kỳ một bóng dáng cây xanh nào còn hiện hữu.
Trên hành trình này, tôi có thấy chiếc máy ủi vẫn đang nằm im lìm, phía sau nó là một khoảng đất rộng lớn đã được đào xới nham nhở mà trước đây vốn dĩ là một màu xanh của rừng núi. Thấp thoáng xa xa có những ngôi lán tạm bợ được lợp bằng bạt ni-lon, phục vụ cho những người được thuê chặt phá. Không thấy một bóng dáng ai làm việc, chỉ thấy một khung cảnh xơ xác.
Nhiều câu hỏi cứ hiện hữu trong tôi lúc đó, vì sao chặt hạ cây không thu gom, lại đốt và vứt chỏng chơ như vậy? Vì sao có một cuộc đại sát cây cối quy mô lớn như vậy trong lòng rừng sâu thăm thẳm?
Pu Cà Tục, Túng Củm, Pà Nhạp nguyên sơ, nguyên sinh nay còn đâu nữa. Tất cả dường như bị xóa sổ thay thế cho một “đại công trường” ngổn ngang những dư âm của một cuộc đại phá quy mô để trồng keo... Trên hành trình ấy, tôi còn phải chứng kiến những cây gỗ lớn đã bị chặt hạ, được xẻ thành từng khúc dài, một số đã được chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn sót lại gốc cây dấu vết còn như mới chặt hạ hôm qua và vài khúc gỗ dài chỏng chơ do chưa được lấy hết.
Hơn 5g đi bộ liên tục chúng tôi mới ra khỏi rừng và đặt chân tới bản Tằm, xã Châu Phong. Đi dưới những tán xanh ấy sau một hành trình dài tôi mới cảm thấy chút không khí trong lòng, không còn khó thở với mùi khét bốc lên từ đất trước những cơn mưa rừng nặng hạt, sau những tàn tích của những vụ sẻ phát quy mô lớn ở Pu Cà Tục, Túng Củm và Pà Nhạp...
Hành trình với gần 2 ngày len lỏi khắp đại ngàn đã để lại trong tôi bao cảm xúc khó tả. Hơn thảy đó là nỗi buồn, sự xót xa về những gì mà tôi đã trực tiếp mắt thấy, tai nghe với hiện trạng rừng, thảm thực vật phong phú... đang dần trở thành dĩ vãng trước tốc độ, quy mô xóa sổ để trồng keo.
Những cây gỗ rừng đường kính trên 40 cm bị chặt hạ, cắt khúc còn rất mới, chưa kịp đốt than, thu gom |
Năm 2017 tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 3 chủ trương lớn trong nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng, không khai thác gỗ tự nhiên. Kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, nông nghiệp, xây thủy điện nhỏ. Không cải tạo rừng nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá khoa học; Không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ven biển, rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. |
(Còn nữa)
Tác giả: Hoàng Phạm
Nguồn tin: phapluatxahoi.kinhtedothi.vn