Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Phẫn nộ "bác sĩ" khoe cứu sống bệnh nhân Covid-19 có chỉ số SpO2 còn 1% tại nhà, nhận vơ công chống dịch

Thông tin cứu sống bệnh nhân Covid-19 có chỉ số SpO2 còn 1% tại nhà mà "bác sĩ" này đưa ra đang được dư luận hết sức quan tâm. Trong khi nhiều người tỏ ra hoài nghi thì giới chuyên môn vô cùng bức xúc.

 

Bác sĩ khoe cứu sống bệnh nhân Covid-19 có chỉ số SpO2 còn 1% thoát chết kỳ diệu

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 đang hết sức phức tạp, thông tin một F0 nào đó được cứu sống qua cơn nguy kịch sẽ là niềm vui chung của các y bác sĩ chống dịch và cả những ai yêu thương sinh mệnh đồng bào. Nhưng đó cũng là kẽ hở để một số người trục lợi, tung tin gây hoang mang dư luận.

Nhiều người đang vô cùng kinh ngạc khi đêm qua, một tài khoản Facebook tên P.X.Tr chia sẻ thông tin về việc anh này đã cứu sống kỳ diệu một bệnh nhân Covid-19 tại nhà. Nguyên văn bài đăng như sau:  

"Bệnh nhân nữ 70 tuổi trong vùng phong tỏa đang thoi thóp. Gọi cấp cứu khắp nơi không thấy ai. Hai người con gọi bác sĩ Tr. cầu cứu, nhờ tìm giúp bình oxy.

Bác sĩ Tr. lên đường, mang theo máy nén oxy, máy đo oxy máu, mặt nạ túi khí, ống nghe... Mấy đồ nghề sẵn có lúc chăm bệnh cho má. Đến nơi, trình thẻ bác sĩ mới được cho vô hẻm.

Bệnh nhân nằm thoi thóp. Đo oxy đầu ngón tay... Trời ơi, SpO2 còn 1%!

Lập tức tròng mặt nạ túi khí, bật máy oxy, nối dây... SpO2 tăng dần lên 10 rồi lại tuột xuống.

 Bài viết của "bác sĩ" khoe cứu sống bệnh nhân Covid-19 có chỉ số SpO2 còn 1% tại nhà đang thu hút sự chú ý lớn từ dư luận.

Ra lệnh cho thằng con trai ép ngực cho mẹ để tăng thông khí. Thằng con ép nhát nào, oxy lên nhát nấy! Xong, rút lui! Về nhà thấy nó nhắn tin oxy lên đến 99! Vậy là tạm thoát chết.

Con gọi xe cấp cứu không được bèn gọi taxi đưa đến bệnh viện 115. Không nhận bệnh! Chuyển qua bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, được nhận!

Chưa biết sẽ ra sao trong vài ngày tới, nhưng cũng gạt được lưỡi hái tử thần trong gang tấc!".

Theo những chia sẻ trong status này cũng như trên hồ sơ mạng, nick P.X.Tr tự nhận mình là bác sĩ đang làm việc tại TP.HCM, đã cùng người nhà bệnh nhân hồi sinh kỳ diệu F0 70 tuổi trước khi bà được nhập viện. Nhiều người đã gửi lời ca ngợi "bác sĩ" này, nhưng cũng không ít người vin vào đó mà chỉ trích đội ngũ y tế chính thống, tạo nên sự căng thẳng trên không gian mạng.  

Giới chuyên môn phẫn nộ, dân mạng kêu gọi report "bác sĩ" nhận vơ

Trước hàng loạt những thông tin y tế đáng ngờ được đưa ra trong bài viết như chỉ số SpO2 của bệnh nhân xuống đến 1%, người không có chuyên môn lại thực hiệp ép tim ngoài lồng ngực thành thục..., nhiều nhân viên y tế, bác sĩ đã lên tiếng.

Trả lời chúng tôi, một chuyên gia đầu ngành về hồi sức cấp cứu của Việt Nam đã chia sẻ: "Tôi không hiểu máy đo kiểu gì mà đo được SpO2 xuống 1%. Tôi chưa bao giờ thấy máy oxy nào đo được ở đầu ngón tay mà xuống được đến ngưỡng đó. 

Thường thì oxy đo ở đầu ngón tay đến 50 - 60% là không thể đo được nữa. Vậy thì con số 1% liệu có tin được không? Hay là họ có máy nào, kỹ thuật nào hiện đại đến mức đo được độ bão hòa oxy trong máu 1% thì tôi chưa bao giờ nhìn thấy!".

Còn theo thông tin trên trang của bệnh viện Vinmec:

Giá trị SpO2 bình thường sẽ dao động ở mức 95 - 100%. Nếu giá trị SpO2 xuống dưới 95%, đây là dấu hiệu cảnh báo oxy hóa máu kém, còn được gọi là tình trạng máu thiếu oxy.

Thang đo chỉ số SpO2 tiêu chuẩn

SpO2 từ 97 - 99%: Chỉ số oxy trong máu tốt;

SpO2 từ 94 - 96%: Chỉ số oxy trong máu trung bình, cần thở thêm oxy;

SpO2 từ 90% - 93%: Chỉ số oxy trong máu thấp, cần xin ý kiến của bác sĩ chủ trị;

SpO2 dưới 92% không thở oxy hoặc dưới 95% có thở oxy: Dấu hiệu suy hô hấp rất nặng;

SpO2 dưới 90%: Biểu hiện của một ca cấp cứu trên lâm sàng.

Dưới phần bình luận của bài viết, nhiều y bác sĩ khác cũng phải để lại bình luận, phân tích về những thông tin nick P.X.Tr đưa ra. Một bác sĩ trẻ tên Xuân Quang thẳng thừng cho rằng đó là "một bài viết bịa đặt rác rưởi". Anh phân tích:

"Đầu tiên về kiến thức cơ bản phải nói là khi SpO2 (độ bão hòa oxy máu đo bằng máu kẹp đầu ngón) dưới 90% là BN đã có suy hô hấp, khi SpO2 dưới 80% thường bệnh nhân đang ngáp ngáp cần đặt nội khí quản cấp cứu, và để lâu thêm một chút thì bệnh nhân sẽ ngưng tim. 

Các máy đo SpO2 hiện nay không đo được chính xác khi SpO2 xuống quá thấp - thường nó sẽ hiện vạch ngang thể hiện không đo được. Con số SpO2 thấp nhất tôi từng thấy khi làm việc trong môi trường hồi sức cấp cứu là tầm 50 - 55. Ở đây con số 1% là một cái gì đó hết sức phi thực tế.

Thần y Tr. cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp SpO2 còn 1% mà ông cho thở mặt nạ oxy thay vì kiểm tra bệnh nhân còn mạch/tim còn đập hay không? Khi thở mask không tác dụng thì ông lại ép tim để tăng thông khí? 

(À, bệnh nhân ngưng tim rồi thì người ta ép tim để giúp tái lập tuần hoàn - nói đơn giản là ép cho cái tim nó đập lại - chứ không phải để tăng thông khí ông nhé. Hồi xưa thầy cô chắc có dạy nhưng ra trường đi bán thiết bị lâu quá ông quên kiến thức cơ bản này, cũng khó trách).

 Hình ảnh của "bác sĩ" khoe cứu sống bệnh nhân Covid-19 có chỉ số SpO2 còn 1% chỉ với những máy móc cầm tay.

Tiếp, tôi tạm giả định là tim bệnh nhân đã ngưng đập nên ông cho người con chưa được đào tạo cấp cứu ngưng tim ép tim còn ông... ngó (hay bận vặn bình oxy? Chứ ông làm gì đủ khả năng đặt ống nội khí quản đúng chứ? 

Bệnh nhân ngưng tim do suy hô hấp mà vào ép tim vài cái tỉnh lại, không cần đặt nội khí quản thở máy để giải quyết nguyên nhân ngừng tim là thiếu oxy máu, cấp cứu ngừng tim không cần adrenalin, và đặc biệt là khi tim đập lại thì ông đi về không cần theo dõi thêm, không đợi chuyển bệnh nhân đi viện (ông bảo ông rút rồi, ít lâu sau người con báo SpO2 lên rồi?) thì thôi, bớt xem phim viễn tưởng đi". 

Nhiều dân mạng, dù không có chuyên môn cũng cảm thấy bức xúc trước những gì "bác sĩ" này công bố trong status kia. Không chỉ tức giận với thái độ "nhận vơ" công chống dịch, đưa thông tin gây hoang mang dư luận, dân mạng còn tìm ra nick P.X.Tr không phải là bác sĩ như ông này tự nhận.

 

"Bác sĩ" này hiện đang làm việc tại một công ty bán thiết bị y tế chứ không công tác tại bệnh viện hay cơ sở y tế nào tại TP. HCM. Ngoài bài viết gây hoang mang trên, ông này cũng thường chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng về Covid-19 trên FB có gần 23.000 lượt theo dõi của mình.  

 

Tác giả: Thiên Yết

Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc