Tiễn biệt nhà văn Sơn Tùng về đất Mẹ
- 13:07 26-07-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đúng 7h30 lễ viếng nhà văn Sơn Tùng bắt đầu. |
Nhà văn Sơn Tùng (sinh ngày 8/8/1928) tên thật là Bùi Sơn Tùng, quê xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Nhà văn Sơn Tùng nguyên là phóng viên báo Tiền Phong, từng được cử vào chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ và bị thương năm 1971. Sau thời gian điều trị, ông tiếp tục làm việc, gắn bó với báo Tiền Phong đến khi nghỉ hưu năm 1979.
Nhà văn Sơn Tùng là tác giả của nhiều tác phẩm như: Bên khung cửa sổ (1974), Nhớ nguồn (1975), Con người và con đường (1976), Búp sen xanh, Vườn nắng (1997), Trái tim quả đất (2000), Ánh sáng tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác ở nơi đây, Từ làng Sen... Ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Lễ tang nhà văn Sơn Tùng diễn ra trong những ngày cả nước thực hiện nhiều biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Do đó, nhiều biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, hạn chế số người và đảm bảo khoảng cách... đã được ban tổ chức lễ tang và gia đình nghiêm túc thực hiện.
Chủ nước nước Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc gửi vòng hoa phúng viếng. |
Đúng 7h30, lễ viếng nhà văn Sơn Tùng bắt đầu. Các thành viên gia đình, đại diện T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và báo Tiền Phong viếng.
Đại diện đoàn T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và báo Tiền Phong viếng nhà văn Sơn Tùng và chia buồn cùng gia quyến. |
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng nhiều cơ quan, đơn vị ... đã gửi vòng hoa kính viếng.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi vòng hoa viếng nhà văn Sơn Tùng. |
Trong điếu văn đọc điếu văn trước anh linh nhà văn Sơn Tùng, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang nhà văn Sơn Tùng bày tỏ: "Một tin hết sức đau buồn trong những ngày cả nước gắng gỏi phòng chống đại dịch COVID-19: nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng Lao động, đảng viên 73 năm tuổi Đảng, thương binh hạng 1/4 từ biệt cõi trần.
Dẫu sự ra đi của một nhà văn vào tuổi 94, lại nằm suốt 11 năm trên giường bệnh không phải là đột ngột, bàng hoàng, nhưng tin buồn và những bài viết, nhưng hồi ức về ông vẫn ào ạt xuất hiện trên báo chí, sóng truyền hình và mạng xã hội cho thấy vị trí đặc biệt của ông trong lòng không những chỉ những người thân yêu trong gia đình, những người ở cơ quan ông từng công tác, những người quen biết với ông mà cả trong nhiều thế hệ bạn đọc".
Nhà báo Lê Xuân Sơn đã ôn lại cuộc đời dài lâu với nhiều biến cố và những nỗ lực phi thường, không mệt mỏi để sống, làm việc, sáng tạo và để cống hiến của nhà văn Sơn Tùng.
"Không thể tưởng tượng nổi trong 36 năm, từ 1974 đến tháng 6/2010- năm nhà văn bị tai biến, Sơn Tùng đã cho xuất bản hơn 20 cuốn sách dày dặn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, được bạn đọc trong cả nước yêu mến đón nhận. Đặc biệt, trong số tác phẩm đó có hơn một nửa là những sáng tạo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng. Riêng tiểu thuyết Búp Sen Xanh viết về thời thơ ấu của Bác Hồ, chỉ tính riêng Nhà xuất bản Kim Đồng đã 30 lần tái bản. Biết bao thanh thiếu niên, bao bạn đọc đủ mọi lứa tuổi đã đọc sách, đã học tập noi gương Bác để gắng gỏi phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng, cho non sông đất Việt. Và trong hơn 500 lần nhà văn thương binh đứng trên bục để thuyết trình, nói chuyện về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, có bao nhiêu người đã được ông truyền lửa?", nhà báo Lê Xuân Sơn xúc động: "Ông đã đi trọn cuộc đời gian lao nhưng hào hùng của mình, làm trọn sứ mệnh của một CON NGƯỜI, một CON NGƯỜI với tất cả các chữ cái viết hoa, một CON NGƯỜI với những ý nghĩa cao quý và đáng tự hào nhất".
Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng ban Lễ tang đọc điếu văn nhà văn Sơn Tùng. |
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã có những lời tiễn biệt: Có những nhà văn khi rời đời sống này đã để lại hai cuốn sách lớn là cuộc đời và tác phẩm. Nhà văn Sơn Tùng là nhà văn như vậy. Ông đã để lại cho đời sống này những sáng tác đặc biệt của ông và cuộc đời lớn của ông.
Nhà văn Sơn Tùng bước vào cuộc đời như một người lính. Ông đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong thế kỷ XX cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Có thể nói, chiến tranh đã tàn phá thân thể ông. Nếu không có một khát vọng lớn lao, một nghị lực phi thường, thì những di họa chiến tranh đã xóa tên ông trong đời sống này cho dù ông vẫn sống. Nhưng ông đã đứng dậy, đã cầm bút và đã minh chứng một cách kỳ diệu sức mạnh vô bờ của khát vọng làm người chân chính.
"Cho dù sống trong sự đau đớn của thương tật, nhưng bạn đọc không hề tìm thấy sự mệt mỏi và yếu đuối của ông trong từng trang viết. Trái lại, trong mỗi trang viết của ông, con người đã tìm thấy sự chia sẻ sâu sắc, tình yêu thương rộng lớn và lòng quả cảm vượt qua nhiều giới hạn", nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tiễn biệt nhà văn Sơn Tùng. |
Đại diện gia đình nhà văn Sơn Tùng, Trưởng nam Bùi Sơn Long đáp từ: "Hôm nay gia đình tổ chức tang lễ cho ba tôi - nhà văn Sơn Tùng, được sự phối hợp của Báo Tiền Phong cùng Ban Tang lễ Quốc gia. Lần đầu tiên cảm ơn những người có mặt tại đây tiễn biệt ba tôi đến nơi an nghĩ cuối cùng".
Đồng thời, ông Bùi Sơn Long bày tỏ sự trân trọng, ấm lòng trước tình cảm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể đã gửi vòng hoa phúng viếng.
Đại diện gia đình nhà văn Sơn Tùng, Trưởng nam Bùi Sơn Long đáp từ. |
Nhà văn Sơn Tùng được an táng tại nghĩa trang quê nhà xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. |
Tác giả: Xuân Tùng - Trọng Tài
Nguồn tin: Báo Tiền phong