Là công nhân của Công ty Esprinta Việt Nam (KCN Sóng Thần II), anh Trịnh Đình Thức từ Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp những mong có được công việc và cuộc sống ổn định. Tai họa ập đến khi anh được chẩn đoán bị suy thận mãn giai đoạn cuối, phải đi chạy thận 3 lần/tuần nhưng đã gần 1 tháng nay công ty nghỉ dịch nên không thu nhập.
Công ty nghỉ, công nhân điêu đứng
Đã gần 1 tháng nay, Công ty Esprinta Việt Nam (KCN Sóng Thần II) nghỉ dịch nên nhiều công nhân trong đó có anh Trịnh Đình Thức rơi vào tình cảnh khốn khổ, chật vật cầm cự qua ngày.
Năm 2010, anh Thức từ Thanh Hóa vào Bình Dương lập nghiệp với những khát vọng tương lai ở mảnh đất này. Nào ngờ tại họa ập xuống khi anh phát hiện mình bị suy thận mãn ở giai đoạn muộn nên phải đều đặn chạy thận 3 lần/tuần.
|
Anh Trịnh Đình Thức (công nhân Công ty Esprinta Việt Nam, KCN Sóng Thần II, Bình Dương) phải chạy thận 3 lần/ tuần nhưng hiện không có thu nhập vì công ty nghỉ dịch. |
|
Anh mong chờ dịch qua nhanh để còn có việc làm. |
Thế nhưng, dịch bệnh COVID-19 khiến cuộc sống của người công nhân bị bệnh hiểm nghèo này vất vả hơn. Thu nhập chỉ từ 6-8 triệu đồng/tháng, nhưng anh Thức phải giành hơn 3 triệu để điều trị duy trì sự sống.
“Một tháng nếu tự bỏ tiền chạy thận thì hết hơn 10 triệu đồng nhưng có bảo hiểm rồi thì chỉ còn chi trả hơn 2 triệu. Những tháng dịch bệnh diễn biến xấu đến bệnh viện phải xét nghiệm COVID-19 thì cần chi trả thêm 1 triệu. Lẽ ra với thu nhập từ 6-8 triệu thì tôi cũng đủ lo cho mình. Tuy nhiên, gần 1 tháng nay công ty nghỉ tránh dịch nên tôi ở nhà không có thu nhập”- anh Thức chia sẻ.
Dịch bệnh khiến nhiều người là F0, F1 rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo chưa từng có. Điều không may đã xảy ra với gia đình chị Thạch Thị Diệu (32 tuổi, làm công nhân ở Công ty Rremier Global, TP Thuận An). Chị Diệu cho biết, đang làm việc thì công ty phát hiện có F0, chị Diệu phải ở lại cách ly để truy vết.
Trong lúc này chị Diệu bị băng huyết, khi đến bệnh viện thì thai nhi 21 tuần tuổi đã tử vong. Hiện, chị Diệu vẫn đang điều trị ở bệnh viện. Trong khi đó, chồng của nữ công nhân này là F1 đang bị cách ly tập trung. Hai con nhỏ của chị ở nhà với bà (bị bệnh tiểu đường). Nén nỗi đau mất con, chị Diệu tâm sự: “Hiện tại tôi đang cố gắng điều trị ổn định để còn về nhà với 2 đứa nữa. Cầu mong dịch bệnh qua nhanh chứ không khổ lắm”.
|
Chị Thạch Thị Diệu (32 tuổi, làm công nhân ở Công ty Rremier Global, TP Thuận An) vừa mất đi đứa con của mình. |
Dịch bệnh tác động trực tiếp đến những công nhân như anh Thức, chị Diệu và hàng triệu công nhân khác đang ở trong những vùng giãn cách xã hội, truy vết F0.
Chới với chống dịch với niềm tin COVID-19 qua nhanh
Chưa bao giờ công nghiệp ở Bình Dương bị tác động xấu bởi dịch bệnh như lúc này. Không khí sản xuất trở nên trầm lắng hẳn, nhiều nhà máy phải đóng cửa. Nhiều công ty từ 3.000-9.000 lao động cũng phải tạm dừng sản xuất.
Theo ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 20.7, có 52 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp xảy ra dịch bệnh. Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 562 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số hơn 54.320 công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Trong số hơn 6.100 ca mắc COVID-19 có đến 2.000 ca mắc là công nhân lao động. Ngoài ra, có hơn 13.000 công nhân lao động là F1, gần 17.550 công nhân lao động là F2 phải cách ly tại nhà, trong khu phong tỏa cũng có 22.300 lao động.
|
Tại Bình Dương có hơn 54.320 công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch COVID–19. Công ty nghỉ dịch, nhiều công nhân điêu đứng, không có việc làm. |
Đáng chú ý, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lớn với số công nhân từ 3.000-8.000 lao động phải tạm dừng hoạt động. Ông Trịnh Anh Tuấn - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Hài Mỹ (TP. Thuận An) cho biết công ty đang phải tạm dừng sản xuất, hơn 5.000 lao động tạm thời nghỉ việc. Trước mắt, nghỉ hết thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16. Công ty có tính đến phương án "3 tại chỗ" tuy nhiên khó tổ chức chỗ ở cho người lao động.
Tương tự, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP. Thuận An) cũng phải cho hơn 8.000 công nhân lao động tạm nghỉ việc ở nhà phòng dịch. Việc tổ chức "3 tại chỗ" rất khó vì công nhân đăng ký sẽ không đầy đủ vì mỗi người có điều kiện gia đình khác nhau. Khi công nhân đến không đủ thì khó tổ chức sản xuất vì mỗi chuyền rất lớn. Việc chuẩn bị chỗ ở là rất khó và kiểm tra dịch bệnh cho hơn 8.000 lao động cũng rất phức tạp.
Công Ty TNHH Pungkook Sài Gòn 3 hiện cũng đang cho cả 1.000 lao động tạm nghỉ việc, công ty rất muốn tổ chức "3 tại chỗ" nhưng lo lắng về vấn đề an toàn dịch bệnh ngoài cộng đồng. Bà Lê Ngọc Anh - Trưởng phòng Nhân sự Công Ty TNHH Pungkook Sài Gòn III, công nhân đã ra ngoài cộng đồng, quay vào công ty thì rất khó kiểm soát đầu vào về an toàn dịch bệnh của công nhân.
Hiện doanh nghiệp đã rất khó khăn trong thời gian dài phải bỏ ra chi phí lớn để kiểm soát dịch. Nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc test nhanh COVID-19 cho công nhân trước khi vào nhà máy thì rất tốt.
Tác giả: HỒNG PHÚC - ĐÌNH TRỌNG
Nguồn tin: Báo Lao động