Kỳ tích của xã 135 đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới
- 08:06 23-07-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chăn nuôi bò quy mô hộ gia đình - một thế mạnh của xã Hữu Kiệm. Ảnh: Hồng Sơn |
Đột phá từ quy hoạch và mô hình kinh tế
Hữu Kiệm là xã đặc biệt khó khăn, thuộc diện hỗ trợ của chương trình 135, 30a của Chính phủ. Xã có 9 bản với 4 dân tộc anh em gồm Thái, Khơ Mú, Kinh và Hmông, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88,7%.
Dệt thổ cẩm đã đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình chị Lô Thị Anh Thu. Ảnh: Hồng Sơn |
Năm 2011, bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo 72,8%. Diện tích đất bằng ít và khí hậu diễn biến thất thường nên rất khó thực hiện ở một số tiêu chí như thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Để tạo đột phá cho phát triển, xã tập trung quy hoạch và cơ cấu lại các vùng xây dựng kinh tế.
Đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình hợp tác xã, gia trại, vườn rừng, cây ăn quả, rau an toàn và kết hợp giữa sản xuất truyền thống với áp dụng khoa học kỹ thuật. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, đổi mới tư duy kinh tế.
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, xã Hữu Kiệm đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế cho giá trị cao. Điển hình là mô hình trồng rau an toàn sinh học Khe Nhinh. Được thành lập từ năm 2016, ban đầu chỉ có 13 hộ canh tác trên diện tích 1.055ha, đến nay đã thu hút 50 hộ tham gia với diện tích trồng trọt lên đến 15ha. Đây là mô hình hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của huyện miền núi Kỳ Sơn.
Thực hiện “mô hình nuôi lợn nái địa phương” do Hội phụ nữ huyện chủ trì, nhóm khởi nghiệp của chị Kha Thị Mai ở bản Na Lượng 1 có 5 thành viên. Được hỗ trợ 25 triệu đồng từ vốn hỗ trợ khởi nghiệp, nhóm đầu tư thêm 22 triệu đồng mua lợn giống và hơn 200 triệu đồng xây dựng 2.000 m2 chuồng trại. Sau 3 tháng hoạt động, đến nay nhóm đã có 30 lợn giống, mỗi con nặng 30kg và 3 con lợn nái. Từ thành công này, sau 6 tháng Hội phụ nữ xã Hữu Kiệm tiếp tục nhân rộng mô hình tại 2 chi hội của bản Na Chảo và bản Hòm.
Chị Phạm Thị Lĩnh quê ở huyện Diễn Châu lấy chồng về sống ở bản Na Chảo xã Hữu Kiệm. Chồng người dân tộc Thái, trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã.
Chị Lĩnh tâm sự: “Nhờ có thêm nghề dệt thổ cẩm nên gia đình cũng có thêm thu nhập. Hiện khách hàng đặt dệt tấm thổ cẩm giá 10 triệu đồng, tranh thủ những lúc nhàn rỗi tôi ngồi dệt và nay đã gần xong”.
Đổi thay trên xã 135
Mô hình nuôi lợn nái được Hội phụ nữ xã Hữu Kiệm nhân rộng tại hai bản Na Chảo và bản Hòm. Ảnh: Hồng Sơn |
Khung cảnh của xã Hữu Kiệm hôm nay là bức tranh của một vùng quê miền núi nhiều màu sắc với nhiều sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Trường học, trạm y tế xã, nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn bản được xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Nhiều tuyến đường liên bản, liên xã được mở rộng, nâng cấp và bê tông hoá trải dài rợp bóng cây và cờ hoa.
Nhà cửa của người dân sửa chữa hay làm mới đều giữ được bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc bản địa. Nhiều cánh đồng trồng rau an toàn hay hàng chục trang trại, gia trại trải dài hút tầm mắt có thu nhập cao đã đem lại một cuộc sống sung mãn cho cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Sau hơn 10 năm, Hữu Kiệm đã huy động được hơn 51 tỷ đồng để xây dựng NTM; trong đó, vốn ngân sách và lồng ghép các chương trình, dự án hơn 44 tỷ đồng; vốn tín dụng 5,1 tỷ đồng, người dân đóng góp 845 triệu đồng, hiến 3.800 m2 đất và 9.000 ngày công cùng nhiều vật liệu xây dựng. Hoàn thành việc bê tông hoá hơn 16km đường bản và liên bản, 8km đường cấp phối bảo đảm xe ô tô đi lại thuận tiện và 3 km đường trục chính nội đồng.
100% thôn bản đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, trên 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Gần 75% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, 7/9 thôn bản được công nhận thôn bản văn hoá. Môi trường xanh, sạch đẹp, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên toàn xã được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn gần 5%.
Ông Nguyễn Hữu Lượng - Bí thư Đảng ủy xã Hữu Kiệm cho biết: “Để có kết quả như ngày nay, yếu tố quan trọng nhất là quyết sách đúng đắn, sự đoàn kết, đồng lòng và nhất trí cao giữa Đảng – chính quyền với mọi tầng lớp nhân dân. Khi người dân đã đồng thuận thì việc gì cũng làm được”.
Là xã 135 đầu tiên được công nhận xã đạt chuẩn NTM, Hữu Kiệm đã giúp huyện Kỳ Sơn – huyện cuối cùng của tỉnh có xã đầu tiên về đích NTM.
Tác giả: Hồng Sơn
Nguồn tin: Báo Lao Động