Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sinh viên ĐH FPT tại TP.HCM phản đối tăng học phí giữa dịch

Mức học phí mới được áp dụng từ ngày 1/9 trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân khiến nhiều sinh viên ĐH FPT tại phân hiệu TP.HCM bức xúc.

Những ngày gần đây, sinh viên ĐH FPT phân hiệu TP.HCM, bằng nhiều cách khác nhau, tiếp tục có ý kiến phản đối vấn đề tăng học phí của trường. Sinh viên cho rằng việc trường tăng học phí trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang căng thẳng là đẩy sinh viên, phụ huynh vào thế khó.

Trong khi nhà trường cho rằng chính sách học phí và các biện pháp hỗ trợ cho sinh viên khó khăn là hai vấn đề khác nhau.

 Ý kiến phản ánh về vấn đề học phí của ĐH FPT trên cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Chụp màn hình.

Đời sống khó khăn, học online, học phí tăng

P.P.T., sinh viên năm 2, khoa Quản trị kinh doanh, ĐH FPT (cơ sở TP.HCM) giải thích một năm học của trường được chia thành 3 học kỳ: Spring (tháng 1 đến tháng 4), Summer (tháng 5 đến tháng 8) và Fall (tháng 9 đến tháng 12). Mỗi học kỳ kéo dài 10 tuần. Hiện nay, học phí chuyên ngành của mỗi kỳ là 25,3 triệu đồng.

Theo quyết định tài chính được trường đưa ra vào tháng 2, từ năm học tới (học kỳ Fall), học phí chuyên ngành mỗi kỳ của trường sẽ tăng lên 27,3 triệu đồng. Khi trường vừa đưa ra thông báo, một số sinh viên đã có ý kiến phản đối. Làn sóng phản đối tăng học phí trong cộng đồng sinh viên ĐH FPT tại TP.HCM càng trở nên mạnh mẽ trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

"Dịch bệnh căng thẳng, TP.HCM và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, gia đình và sinh viên gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút mà trường vẫn giữ quyết định tăng học phí khiến nhiều sinh viên bức xúc. Liệu trường có cân nhắc đến tình hình thực tế, có đồng hành cùng sinh viên?", P. nói.

P. cho biết năm ngoái, học kỳ Summer diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh, sinh viên học online, trường đã giảm 20% học phí của học kỳ Summer. Năm nay, cả học kỳ Summer, sinh viên phải học online, trường không giảm học phí hay có động thái hỗ trợ. Nam sinh đặt câu hỏi về tính hợp lý, nhân văn khi trong quyết định tăng học phí của ĐH FPT.

Tương tự, Xuân Mai, sinh viên năm 2, ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện cho rằng trường tăng học phí vào thời điểm này là đẩy nhiều sinh viên và phụ huynh vào thế khó.

"Trường lý giải việc tăng học phí là để đầu tư thêm cơ sở vật chất nhưng em nghĩ điều này không cần đầu tư vào lúc này. Gần như cả học kỳ vừa qua, sinh viên học online. Tình hình dịch vẫn diễn biến khó lường, học kỳ tới, rất có thể chúng em vẫn phải học online. Đến nay, sinh viên vẫn mong chờ chính sách hỗ trợ chi phí của trường", Mai nói.

B.T.P.N., nam sinh viên năm cuối, chuyên ngành Marketing, cho biết việc tăng học phí đã được trường thông báo vào tháng 2, thời điểm đó dịch bệnh được khống chế, cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều, nên sinh viên đồng tình với sự điều chỉnh của trường.

Nhưng hơn một tháng trở lại đây, dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam căng thẳng cộng thêm việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội khiến đời sống, công việc của người dân bị ảnh hưởng.

"Em không phản đối trường tăng học phí nhưng tăng vào thời điểm này là không thích hợp. Sinh viên mong trường cân nhắc giữ nguyên hoặc giảm nhẹ mức học phí hiện tại để chia sẻ gánh nặng kinh tế với sinh viên, phụ huynh", nam sinh viên nói lên nguyện vọng.

Trong thời gian qua, nhiều sinh viên cũng chọn cách gửi ý kiến đến nhà trường và cổng dịch vụ công quốc gia.

Học phí tăng trong biên độ cho phép

Liên quan đến vấn đề tăng học phí của ĐH FPT, vào tháng 3, Bộ GD&ĐT đã nhận được 3 ý kiến phản ánh của công dân thông qua cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ đã đề nghị nhà trường trả lời nội dung thắc mắc và có văn bản kết quả xử lý gửi về Vụ Kế hoạch Tài chính.

Trong văn bản gửi Vụ Kế hoạch Tài chính, ĐH FPT cho biết chính sách của nhà trường về việc điều chỉnh học phí nhất quán từ trước đến nay: "Học phí có thể điều chỉnh hàng năm, biên độ điều chỉnh giữa 2 năm liên tiếp không quá 10%". Học phí năm học 2021-2022 được điều chỉnh tăng 7,9% là nằm trong biên độ điều chỉnh cho phép.

Nhà trường giải thích việc tăng học phí, ngoài để bù trượt giá hàng năm, còn sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất, chi bổ sung các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, các hoạt động trải nghiệm của sinh viên.

Trường cũng đưa ra thống kê học phí từ năm học 2012-2013 đến năm học 2021-2022, cho thấy mức tăng học phí trung bình của trường trong 10 năm là 1,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình của chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng học phí của các trường đại học khác.

Năm học 2020, ĐH FPT giảm học phí cho sinh viên với số tiền tương ứng là 100 tỷ đồng. Sau 4 năm liền không tăng học phí, năm học tới, lãnh đạo trường quyết định điều chỉnh mức học phí để bổ sung nhiều hoạt động trải nghiệm cả trong học tập và ngoại khóa cho sinh viên.

 Biến động học phí trong 10 năm của của ĐH FPT. Ảnh: ĐH FPT.

Trường sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp theo đối tượng

Trao đổi với Zing, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT, cho biết quyết định tăng học phí được trường thông báo vào tháng 2 và sẽ áp dụng từ ngày 1/9. Đến nay, nhà trường vẫn chưa thu học phí theo mức mới. Từ khi thông báo tăng học phí, ông và nhà trường đã nhận được rất nhiều ý kiến từ sinh viên, phụ huynh.

"Nhà trường xác định việc tăng học phí và chính sách hỗ trợ học phí, đồng hành cùng sinh viên trong mùa dịch là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau và được thực hiện độc lập với nhau. Tăng học phí không có nghĩa là bỏ mặc sinh viên trong mùa dịch", ông Tùng trả lời.

TS Tùng cho hay ĐH FPT vẫn đang theo dõi tình tình dịch bệnh và đánh giá sát sao những khó khăn của sinh viên để có chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp với từng đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Dự kiến ngày 10/8, trường sẽ đưa ra thông báo cụ thể.

"Dịch bệnh khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn nhưng không phải gia đình nào cũng bị giảm thu nhập. Trường phân tách độc lập 2 vấn đề tăng học phí và hỗ trợ sinh viên để có phương án hỗ trợ lớn hơn, thiết thực hơn cho người thực sự khó khăn. Khi sinh viên nhập học, trường đều thông tin rõ ràng, học phí có thể tăng nhưng không quá 10% trong 2 năm liên tiếp. Dù vậy, ĐH FPT chưa bao giờ tăng đến mức tối đa 10% ", TS Lê Trường Tùng giải thích.

ĐH FPT là trường đại học tư thục được thành lập năm 2009. Hiện trường có cơ sở chính tại Hà Nội và 3 phân hiệu tại TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: zingnews.vn