Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trước giờ tạm dừng nhà máy: Mong rằng sự hy sinh của chúng tôi sẽ có ý nghĩa

Hôm nay 15-7 là thời hạn tạm dừng hoạt động doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã tính xong phương án: nơi đóng cửa tạm nghỉ chờ qua dịch, nơi "đóng cửa" để sản xuất "3 tại chỗ".

 Công nhân xưởng NOS C, Công ty TNHH Changshin được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 - Ảnh: B.A.

"Đợt cách ly sản xuất tại chỗ này doanh nghiệp cũng xác định sẽ kéo dài 2 tuần trở đi thì mới có ý nghĩa cho việc chống dịch. Hy vọng TP sẽ thực hiện tốt, rốt ráo trong thời gian này để sự hy sinh của doanh nghiệp mang lại hiệu quả thật sự.

Ông Nguyễn Minh Trung (giám đốc Công ty CP In số 7)

Tâm trạng của những người chủ doanh nghiệp cũng ngổn ngang nhưng cùng gửi đến cộng đồng lời gửi gắm: Mong rằng sự hy sinh của chúng tôi sẽ có ý nghĩa.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) - cho biết các doanh nghiệp đều đồng thuận cùng TP chống dịch, những doanh nghiệp chưa đáp ứng được cơ sở vật chất để áp dụng "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 địa điểm" sẽ chấp nhận tạm đóng cửa.

Theo ông Dũng, ước tính sơ bộ hiện có khoảng 50% doanh nghiệp thuộc HUBA sẽ tạm thời đóng cửa theo yêu cầu của TP để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, tái hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Tại Khu công nghiệp Tân Tạo, chỉ có 6 doanh nghiệp trên tổng số khoảng 160 doanh nghiệp tại đây đã đăng ký tiếp tục sản xuất theo phương án vừa cách ly vừa sản xuất. "Phần lớn doanh nghiệp quanh đây đều ngưng hoạt động vì không thể đáp ứng được các yêu cầu về ăn ở, sinh hoạt lẫn xét nghiệm cho công nhân" - bà Phạm Bảo Ân, đại diện Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi, cho biết.

Với khoảng 50 lao động, Công ty Duy Lợi cũng đã sắp xếp cho công nhân ở tại chỗ để tiếp tục sản xuất. "Công ty không có nhiều lao động nên còn có thể xoay xở được. Hôm 13-7 chúng tôi đã tổ chức xét nghiệm cho công nhân và bắt đầu cho công nhân ở lại. Nhưng việc sản xuất chỉ có thể duy trì khoảng 10 ngày vì hết nguyên vật liệu, các đối tác cung cấp nguyên liệu đã ngưng cung cấp. Tình hình này ráng được ngày nào hay ngày ấy" - bà Ân cho biết thêm.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ chiều 14-7, ông Nguyễn Mạnh Dũng - tổng giám đốc Công ty CP thiết bị nhà bếp Vina (Namilux) - Khu công nghiệp Tân Bình - cho biết công ty không còn cách nào khác là phải chọn phương án tạm đóng cửa.

"Với 800 anh chị em công nhân thì việc tổ chức ăn ở, cơm nước rất khó khăn. Đặc biệt với yêu cầu phải xét nghiệm 7 ngày/lần, công ty không xoay xở được. Chi phí xét nghiệm là một chuyện, tìm được đơn vị để xét nghiệm cho toàn bộ 800 công nhân cũng rất khó khăn" - ông Dũng chia sẻ. Trước khi quyết định tạm đóng cửa, công ty cũng liên hệ với các khách hàng, đối tác để "mong khách hàng thông cảm".

"Họ chia sẻ với công ty nhưng cũng nói rõ nếu kéo dài quá lâu, họ sẽ phải tìm nhà cung cấp khác. Họ có chờ được mình hay không thì chưa biết" - ông lo lắng.

Ông Nguyễn Minh Trung - giám đốc Công ty CP In số 7 - chia sẻ trong tình hình này doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tuân thủ các chỉ đạo của TP về phòng chống dịch.

"Chúng tôi may mắn vẫn duy trì được sản xuất với phương án "3 tại chỗ" nhưng xác định là "đánh trận phải có thương vong", doanh thu dự kiến sẽ giảm 50% trở lên. Đợt cách ly sản xuất tại chỗ này doanh nghiệp cũng xác định sẽ kéo dài 2 tuần trở đi thì mới có ý nghĩa cho việc chống dịch. Hy vọng TP sẽ thực hiện tốt, rốt ráo trong thời gian này để sự hy sinh của doanh nghiệp mang lại hiệu quả thật sự" - ông Trung bộc bạch.

Với 800 công nhân đã được tiêm vắc xin đợt 1, ông Nguyễn Mạnh Dũng hy vọng công nhân sẽ sớm được tiêm đợt 2. "Đây có lẽ là biện pháp cuối cùng để doanh nghiệp có thể sớm phục hồi sản xuất. Quan trọng hơn là Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp tạm đóng cửa vì mục tiêu chung của cả xã hội như chúng tôi có thể sớm lấy lại đà sản xuất sau dịch" - ông Dũng nói thêm.

Tác giả: VŨ THỦY - NGỌC HIỂN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ