Lộ trình lựa chọn, thí điểm sáp nhập các tỉnh như thế nào?
- 13:19 15-07-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính vừa được Bộ Nội vụ công bố đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong đó vấn đề nhận được sự quan tâm lớn nhất là việc thí điểm sáp nhập các tỉnh trong giai đoạn 2022-2026.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Quy mô tỉnh như thế nào sẽ bị xem xét sáp nhập?
Tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp tỉnh được Bộ Nội vụ đề xuất phân ra hai loại là tỉnh miền núi, vùng cao và tỉnh không phải miền núi, vùng cao.
Về quy mô dân số: Đối với tỉnh miền núi, vùng cao, có quy mô dân số từ 900 nghìn người trở lên. Trường hợp tỉnh có diện tích tự nhiên rộng từ 150% trở lên so với mức tiêu chuẩn được quy định thì quy mô dân số từ 700 nghìn người trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi thì quy mô dân số từ 1,4 triệu người trở lên.
Về diện tích tự nhiên, tỉnh miền núi, vùng cao từ 8.000 km2 trở lên; tỉnh không phải miền núi từ 5.000 km2 trở lên.
Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện làm điểm việc sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
"Các tỉnh làm điểm sẽ trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét từng trường hợp cụ thể"- Bộ Nội vụ cho hay.
Theo dự kiến, tháng 9 tới, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thực hiện làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong các năm 2022-2026 và định hướng đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng.
Trong quý IV/2021, Bộ Nội vụ sẽ trình Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét thông qua đề án này.
Sau khi đề án được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị quyết về việc thực hiện đề án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.
Từ quý I/2022 tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và làm điểm ở cấp tỉnh theo kế hoạch, lộ trình đề ra.
Trụ sở Bộ Nội vụ. |
"Nơi nào thuận lợi sẽ tiến hành làm trước"
Bộ Nội vụ dự kiến, từ năm 2022 đến năm 2026 thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn (tiêu chuẩn còn lại chưa đạt 100%) về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định.
"Đến năm 2030 hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp phù hợp với tiêu chuẩn đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung và phù hợp với quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính của cả nước"- Bộ Nội vụ cho hay.
Việc này cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình phù hợp, nơi nào thuận lợi thì tiến hành làm trước. Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp với việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài căn cứ theo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số thì còn phải chú trọng đến các yếu tố về lịch sử, truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý- nhiên, cộng đồng dân cư để đảm bảo sự kế thừa, ổn định, tạo thuận lợi trong hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
"Trong thời gian thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp thì số lượng cấp phó và biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định, nhưng cần quy định rõ thời hạn sắp xếp để đảm bảo giảm về đúng số lượng quy định"- Bộ Nội vụ dự báo.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí