TPHCM chính thức thí điểm cách ly F0, F1 tại nhà
- 09:38 14-07-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tối 13/7, Sở Y tế TPHCM có công văn khẩn về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gửi đến các địa phương, cơ sở y tế. Theo đó, TP.HCM chính thức thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm đối tượng.
Thứ nhất là trường hợp F0 không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp (CT value lớn hơn hoặc bằng 30) không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.
Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.
Người được cách ly tại nhà tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các trường hợp F0 nói trên phải được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc. Tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM |
Về tổ chức chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với F0, F1, cơ quan y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi sức khỏe hàng ngày đối với các trường hợp F0 cách ly tại nhà, tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng và khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị.
Tại cuộc họp báo tối 13/7, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách HCDC cho biết đến thời điểm này, Thành phố đã ghi nhận 70 ổ dịch, trong đó có 26 ổ dịch đang diễn tiến phức tạp, gồm: 6 ổ dịch liên quan đến các chợ, 12 ổ dịch trong các khu dân cư, 8 ổ dịch liên quan đến các công ty đang, khu công nghiệp. 44 ổ dịch hiện nay đã ổn định…
Về thông tin lan truyền trên mạng xã hội phản ánh một số trường hợp F0 chậm được chuyển đi điều trị, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng thừa nhận có tình trạng này.
Theo đó, từ đợt dịch đầu tiên, thành phố có 2 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ, đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 chưa tăng cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Hưng, trong đợt dịch thứ 4, do hầu hết ca bệnh nhiễm biến chủng Delta nên số bệnh nhân tăng nhanh. Có thời điểm mở rộng bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, việc chuẩn bị có lúc chậm, làm cho việc chuyển bệnh nhân đến nơi điều trị có nơi, có lúc chậm hơn so với yêu cầu.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết TP.HCM hiện có 19 bệnh viện dã chiến đang hoạt động, điều trị cho 16.757 bệnh nhân. TPHCM đang lập thêm 5 bệnh viện dã chiến khác. Tổng công suất của 24 bệnh viện là 44.890 giường.
Tác giả: Huy Thịnh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong