Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Loạt đặc sản "đuổi khách", kén người ăn vì mùi vị gây "ám ảnh" ở Việt Nam

Dù bốc mùi khó ngửi, kén người ăn vì hương vị siêu thối nhưng những món ăn như nậm pịa, da trâu thối, bún cua thối,... vẫn được nhiều người Việt yêu thích và nhiệt tình thưởng thức.

Không chỉ là điểm đến du lịch an toàn, bình dân với khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, Việt Nam còn hấp dẫn đông đảo du khách quốc tế bởi nền ẩm thực phong phú, đa dạng.

Bên cạnh những món ăn nổi tiếng như phở, bánh mì,..., được nhiều người nước ngoài yêu thích, ở Việt Nam còn có loạt đặc sản được làm từ các nguyên liệu độc lạ không phải ai cũng dám thử. Đặc biệt, những món ăn bốc mùi siêu thối dù khiến khách Tây "khóc thét" nhưng lại là món khoái khẩu được nhiều người Việt ưa chuộng.

Vì được chế biến từ những thành phần nguyên liệu đặc trưng nên các món ăn này đều rất nặng mùi, được ví như có khả năng "đuổi khách".

Nậm pịa

Nậm pịa là món ăn nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thái, chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Hà Giang, Lào Cai,... Trong tiếng Thái, nậm có nghĩa là canh, còn pịa là phần phân non sền sệt nằm giữa dạ dày và ruột già của các loài động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê. Ngoài thành phần chính là pịa, người địa phương còn chế biến món ăn này với nội tạng của động vật như dạ dày, tiết, lòng, tim, gan… 

 Dù được xem là món "khó nuốt" với vẻ ngoài kém hấp dẫn và hương vị gây "ám ảnh" nhưng nậm pịa vẫn được nhiều người Việt yêu thích (Ảnh: Cooky).

Chính vì làm từ các nguyên liệu đặc trưng mà nậm pịa có mùi rất khó ngửi. Nhiều du khách lần đầu thưởng thức không khỏi choáng váng trước hương vị "siêu thối" của món ăn này. Tuy nhiên, nếu ai ăn quen thì sẽ thích thú với vị cay, đắng, ngậy bùi của nậm pịa.

Với người Thái, nậm pịa là món ăn thường xuất hiện trong các dịp lễ Tết, đình đám hay dùng để chiêu đãi khách quý ghé nhà. Đến Tây Bắc, du khách có thể tìm và thưởng thức nậm pịa tại các nhà hàng, quán ăn quanh những điểm du lịch nổi tiếng. 

Bún cua thối

Bún cua thối là đặc sản ở phố núi Pleiku, tỉnh Gia Lai. Đúng như tên gọi, món ăn gồm 2 nguyên liệu chính là bún và cua. Tuy nhiên, linh hồn của bún cua thối chính là ở phần nước dùng có màu đen sền sệt.

 Món bún cua thối chỉ nghe tên cũng khiến thực khách dè chừng vì có mùi khó ngửi, bốc lên từ thứ nước dùng màu đen đặc sệt (Ảnh: @im_pcz).

Cua đồng sau khi mua về được sơ chế sạch, bỏ phần mai, lấy phần thân đem giã hoặc xay nhuyễn rồi lọc lấy nước. Nước cua tươi được ủ lên men khoảng một ngày đêm cho đến khi chuyển sang màu đen và bốc mùi nồng, hơi thum thủm thì đem chế biến.

Phần nước cua đã lên men tiếp tục được đun sôi liu riu trên bếp lửa rồi cho thêm măng tươi thái mỏng. Đun càng lâu, măng càng tiết ra vị ngọt khiến nồi nước dùng càng đậm đà. Người ta cho thêm cả trứng vịt chín vào nồi nước, khi khách gọi đồ thì mới múc ra, chan kèm vào bát bún.

 Mỗi suất bún cua thối có giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng (Ảnh: MokoNail).

Với ai lần đầu thưởng thức sẽ không khỏi dè chừng trước món bún cua thối nhưng nếu đã ăn quen thì sẽ cảm nhận được vị ngon đặc trưng. Vị hăng nồng, nặng mùi của nước dùng cùng chút chua cay, mằn mặn nơi đầu lưỡi là cảm nhận của thực khách khi nếm đặc sản phố núi.

Lẩu mắm 

Lẩu mắm là món ăn dân dã mang đậm hương vị miền Tây, nổi tiếng nhất là ở vùng đất U Minh (tỉnh Cà Mau). Tuy nhiên, đặc sản này lại kén người ăn, khiến du khách dè chừng vì phần nước dùng làm từ mắm có mùi vị khá nồng và đậm.

 Tùy từng nơi và theo sở thích mỗi người mà có thể chế biến lẩu mắm với nhiều loại nguyên liệu thực phẩm khác nhau (Ảnh: @Trangpinkyy).

Theo người dân địa phương, nguyên liệu chính của nước dùng lẩu mắm được làm từ mắm của các loài cá nước ngọt như cá lóc, cá sặc, cá rô... hay cá linh. Còn phần nguyên liệu ăn kèm có thịt, hải sản (mực, tôm…) và không thể thiếu hàng chục loại rau đặc trưng như bắp (hoa) chuối, rau muống, bông súng, lá hẹ, bồn bồn, rau đắng, bông bí, rau dừa, rau nhút, mồng tơi...

 Lẩu mắm có mùi vị khó ngửi khiến nhiều thực khách không dám nếm thử (Ảnh: Huỳnh Hải).

Được biết, mắm cũng là nguyên liệu có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon ở vùng sông nước miền Tây như mắm sống (dùng để ăn sống mà không qua chế biến từ nấu nướng), mắm chưng trứng thịt, mắm chiên, gỏi cuốn mắm ong, mắm trộn đu đủ, cá om mắm nướng,... Vì có nguyên liệu đặc trưng nên các món làm từ mắm thường có mùi vị gây "ám ảnh".

Da trâu thối

Da trâu thối (hay còn gọi là năng min) là một món ăn đặc trưng của người Thái vùng Tây Bắc. Món này được làm từ nguyên liệu chính là da con trâu. Sau khi lọc sơ chế, da trâu được đem gói lá chuối ủ khoảng hai ngày tùy điều kiện thời tiết. 

 Món da trâu bốc mùi siêu thối ở vùng Tây Bắc (Ảnh: Ytimg).

Vào thời tiết mùa hè, nhiệt độ cao khiến da trâu nhanh "thối" hơn. Còn vào mùa đông người dân phải ủ thêm vài ngày mới lấy ra chế biến được. Qua một thời gian ủ, da trâu bốc mùi được đem rửa sạch để lông sẽ rụng hết. Sau đó, người ta đem miếng da đi phơi, rồi dùng nấu canh, nấu hoa chuối hoặc nướng tùy sở thích.

 Da trâu thối được thái nhỏ, dùng để chế biến nhiều món ăn như (Ảnh: Ytimg).

Dù là đặc sản có mùi vị đặc trưng được người địa phương yêu thích nhưng da trâu thối lại khiến nhiều du khách chỉ nghe tên và ngửi mùi cũng đủ "toát mồ hôi", không dám thưởng thức.

Tác giả: Thảo Trinh

Nguồn tin: Báo Dân trí