Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Xuân Quỳnh là nam hay nữ' là nhầm lẫn hy hữu

TS Đặng Ngọc Khương cho rằng để xảy ra tình trạng nhầm lẫn giới tính của tác giả chủ yếu do các em chưa có ý thức học cao, thời gian học không nhiều.

Nhiều thí sinh chia sẻ tình huống "dở khóc dở cười" khi làm bài thi môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT 2021: “Trong tất cả các loại sóng, em thích nhất là Sóng của Xuân Quỳnh” hay “Ôi Xuân Quỳnh là nữ nhà thơ à?”.

Những câu chuyện trên khiến nhiều người hoang mang, đặt nghi vấn về cách học môn Ngữ văn của thí sinh trong thời gian gần đây.

 Thí sinh làm bài thi trong Kỳ thi THPT 2021. Ảnh: Duy Hiệu

Tình trạng hy hữu

Chia sẻ về những nhầm lẫn hài hước của thí sinh khi làm bài Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết (giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) nói: “Thí sinh không biết nhà thơ là nam hay nữ là tình trạng hy hữu. Điều này giống như việc các em mở bài bằng các loại sóng để dẫn vào phần phân tích tác phẩm của tác giả Xuân Quỳnh. Ngoài ra, các em có thể còn thiếu tập trung, lơ đễnh trong quá trình làm bài thi”.

Trên lớp, trước khi đi sâu vào phân tích tác phẩm, giáo viên đều dành thời gian nhất định để nói về thông tin cơ bản của tác giả, tác phẩm chứ tuyệt đối không được bỏ qua.

Theo TS Đặng Ngọc Khương (giáo viên Ngữ văn trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Hà Nội), nêu việc nhớ kiến thức về tác giả, tác phẩm là yêu cầu căn bản của mỗi học sinh. Để xảy ra tình trạng nhầm lẫn giới tính của tác giả chủ yếu là do học sinh ý thức học của các em chưa cao, thời gian dành cho môn học chưa nhiều, dẫn đến thiếu hụt kiến thức cơ bản.

“Tình trạng trên cũng phản ánh nhiều học sinh mất dần hứng thú với môn Ngữ văn. Nguyên nhân không nhỏ bắt nguồn từ một bộ phận nhỏ giáo viên duy trì phương pháp lấy vai trò người dạy làm chủ đạo. Từ đó, học sinh tiếp thu kiến thức thụ động, cứng nhắc và dẫn đến việc lãng quên kiến thức cơ bản mang tính nhận biết là điều dễ hiểu" - TS Đặng Ngọc Khương nói.

Trong khi đó, thầy Vũ Thanh Hòa (giáo viên Ngữ Văn, trường THPT Thăng Long, Hà Nội) đánh giá việc học sinh không nhớ Xuân Quỳnh là nữ nhà thờ là vấn đề đáng báo động và đáng buồn. Điều này cho thấy giá trị của nền Văn học nói chung cũng như giá trị các tác giả đã đóng góp dần bị phủi sạch và rơi vào quên lãng trong tiềm thức của thế hệ học sinh hiện nay.

“Hiện tượng học sinh ghi nhầm Xuân Quỳnh là nam không phải hiện tượng đa số, chủ yếu các em thi Ngữ văn chỉ xét tốt nghiệp. Chính vì vậy nên học sinh đã không chủ trọng ôn tập mà chỉ nắm được nội dung chính tác phẩm và lấy điểm phần nhiều ở đọc hiểu" - thầy giáo chia sẻ.

Giáo viên cần làm mới bài giảng

Theo thầy Vũ Thanh Hòa (giáo viên Ngữ văn, THPT Thăng Long), không có phương pháp gì quan trọng hơn là việc đầu tư thời gian học và ôn tập kỹ cho môn Văn. Hơn nữa, các em cần rèn luyện tư duy logic để có thể tỉnh táo, nhận diện yêu cầu trong đề thi.

Giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát triển tư duy của học sinh. Để đạt được chất lượng giáo dục thực sự, học sinh không chỉ nắm chắc nội dung kiến thức môn học mà phải còn được phát triển tư duy hướng tới nhân cách và toàn bộ năng lực của mình.

Cô Nguyễn Xuân Ngọc (giáo viên Ngữ văn, trường THCS - THPT Newton), cho rằng điều cốt yếu nhất đem lại kết quả học tập tốt môn Ngữ văn không chỉ đến từ giáo viên mà chủ yếu bắt nguồn từ chính bản thân mỗi người học.

“Để học sinh có tâm thế học chủ động, các em phải có niềm yêu thích, say mê và đặt mục tiêu cụ thể. Học sinh phải dành thời gian luyện tập viết nhiều hơn, thực hành phản biện và được nêu những suy nghĩ, quan điểm của bản thân khi ôn luyện các tác phẩm.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng đóng vai trò quan trọng khi là người hỗ trợ, hướng dẫn và kiểm tra, đánh giá mức độ tiếp thu kiến thức của học sinh trong từng bài học cụ thể. Thầy cô nên tránh lối dạy rập khuôn và thường xuyên làm mới mình trong bài giảng, linh hoạt với từng nhóm đối tượng học sinh. Có như thế mới phần nào khắc phục được hiện trạng học môn Văn hiện nay” - cô Ngọc nói.

Chung quan điểm đó, TS Đặng Ngọc Khương (giáo viên THPT Chuyên Ngoại ngữ) nhận định để học sinh có hứng thú với Ngữ văn, giáo viên có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để các em chủ động, tích cực tham gia trong quá trình học.

“Trước mỗi giờ lên lớp, giáo viên phân chia nhiệm vụ cho từng nhóm tìm hiểu về những nội dung về tác giả, tác phẩm như gợi ý. Sản phẩm của các em sẽ là những bản thuyết trình đầy đủ, ngắn gọn, sinh động về tác giả có kèm theo các video, hình ảnh sưu tầm để minh họa".

Cũng theo TS Ngọc Khương, giáo viên có thể tận dụng mạng xã hội như công cụ học tập dành cho học sinh lứa tuổi THPT. Các em được giao quản lý các trang gắn liền với các tác giả, tác phẩm Văn học và chịu trách nhiệm chăm sóc bằng việc cung cấp các thông tin liên quan. Đây là cơ hội để học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức và cũng phát huy năng lực về công nghệ.

Tác giả: Quang Huy

Nguồn tin: zingnews.vn