Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chơi “lan điện tử”, cẩn trọng bẫy thổi giá biến tướng từ lan đột biến

Từ trào lưu tài sản số (non-fungible token - NFT) trên thế giới, một số sàn giao dịch “lan điện tử”, hay còn gọi là “lan NFT” được mở ra để đấu giá.

 Lan điện tử hay còn gọi là lan NFT được trưng bày trên một website sàn giao dịch. Ảnh chụp màn hình.

Có thể là một biến tướng của lan đột biến

Cơn sốt tài sản số với tâm điểm tác phẩm "Everydays: The First 5.000 Days" của nghệ sĩ Beeple được bán đấu giá thành công với mức giá “khủng” 69,3 triệu USD. “Everydays: The First 5.000 Days” thực chất là một bức ảnh số được ghép từ 5.000 bức đồ họa file JPEG, và được số hóa bằng công nghệ chuỗi khối blockchain không thể nhái, giả (non-fungible token).

Chính sự kiện này đã thổi làn gió mới về trào lưu một loại tài sản mới trên thị trường thế giới.

Tài sản số cũng không chỉ có tranh, ảnh, vật phẩm trong game. Mới đây, lĩnh vực đấu giá NFT tiếp tục gây ngạc nhiên dư luận khi mã nguồn của World Wide Web được phát minh năm 1989 của Tim Berners-Lee, đã được bán đấu giá thành công với mức 5,4 triệu USD.

Lan NFT xuất hiện trong bối cảnh hiện nay, được anh B.A – một người chơi tiền ảo tại TPHCM – cho rằng chính là sự “ăn theo” trào lưu NFT trên thế giới. Tuy nhiên, từ sau tháng 3.2021 tới nay, cơn sốt NFT trên thế giới đã hạ nhiệt, bằng chứng là các thương vụ giao dịch loại tài sản số này đã giảm xuống đáng kể theo từng tháng.

Thế nhưng, sự xuất hiện của lan NFT bằng cách số hóa những cây lan được cho là biến đổi gene hay còn gọi là lan đột biến (Lan Var), sau đó được đưa lên bán đấu giá trên một số sàn giao dịch phi tập trung lại cho thấy độ rủi ro lớn. Thậm chí, theo anh B.A, đó có thể là một biến tướng tiếp nối những vụ lừa mua bán lan đột biến lừa lọc từng xảy ra tại một số quốc gia và cũng khá nóng tại Việt Nam thời gian qua.

Lan NFT, ai xác thực?

Theo anh B.A, việc không có tổ chức chuyên nghiệp và uy tín để đánh giá, thẩm định và xác thực chính là lỗ hổng lớn nhất đối với cuộc chơi lan điện tử trên một số sàn giao dịch hiện nay.

Lan NFT, được số hóa từ những ảnh chụp hay video quay cây lan thật. Nhưng có rất nhiều vấn đề cần được xác thực thì lại đang bỏ ngỏ. Nói đúng hơn, giao dịch lan NFT trên các sàn hiện chủ yếu dựa vào niềm tin, và hệ lụy là có thể dính quả lừa như các vụ giao dịch lừa lọc bán lan đột biến tại Việt Nam thời gian qua.

Thứ nhất, chỉ qua hình ảnh trên sàn giao dịch, không có tổ chức trung gian có đủ uy tín đứng ra đánh giá, thẩm định, xác thực đó là “cây” lan đột biến thực chứ không phải là giả.

Thứ hai, trên mỗi phiên bản số (hình ảnh, clip) được mã hóa thành token trở thành lan điện tử/lan NFT, đơn vị nào đứng ra xác thực tác phẩm/tài sản số đó là duy nhất, không có những góc chụp hay video clip thứ hai cũng quay chính cây lan điện tử đó.

Thứ ba, cuộc đấu giá những cây lan NFT trên sàn trực tuyến với mức giá khởi điểm là bao nhiêu tự bên bán đưa ra, không có nhà đấu giá chuyên nghiệp thẩm định về giá trị của tài sản và điều phối.

Vì thế, tình trạng “phù phép” giá rất dễ xảy ra. Hoặc một nhóm người hoàn toàn có thể cấu kết cùng lên đấu giá và lập bẫy thổi giá để “săn” các “con mồi”. Trong khi, mỗi "cây" lan NFT có thể có giá từ hàng trăm đến hàng ngàn USD.

 Tài sản số mã nguồn World Wide Web được xác định là độc nhất vô nhị. Ảnh: ST.

Trong khi đó, như đề cập ở trên, mã nguồn World Wide Web của Tim Berners-Lee phát vào năm 1989, có mức giá khởi điểm 1.000 USD nhưng cuối cùng người thắng đấu giá phải trả đến 5,4 triệu USD.

Nhà tổ chức đấu giá là Sotheby's (Anh quốc) nổi tiếng và uy tín hàng đầu thế giới đã thẩm định, bộ mã nguồn World Wide Web của Tim Berners-Lee là độc nhất và không có phiên bản nào khác. Với công nghệ blockchain, nó cũng không thể bị sửa đổi hay nhái giả.

Tác giả: THẾ LÂM

Nguồn tin: Báo Lao Động