Bi kịch những thi thể trôi nổi trên sông Hằng
- 16:55 29-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng trăm thi thể chôn ven sông Hằng bị nước lũ cuốn ở Ấn Độ (Ảnh: Reuters). |
Ở giai đoạn dịch Covid-19 "bùng nổ" ở Ấn Độ hồi tháng 4 và tháng 5, nhiều gia đình ở đây đã phải thả trôi thi thể người thân của mình trên sông Hằng hoặc chôn cất sơ sài trong những ngôi mộ ven sông do chi phí mai táng quá đắt đỏ. Rất nhiều trong số các thi thể đó là của bệnh nhân Covid-19.
Bi kịch chưa dừng lại ở đó. Khi mùa lũ về, nước sông dâng lên làm lộ ra hoặc cuốn trôi nhiều thi thể trong những ngôi mộ ven sông. Giới chức thành phố Allahabad ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ, ngày 26/6 cho biết trong 3 tuần qua, địa phương này đã hỏa táng cho gần 150 thi thể trôi trên sông. Họ ước tính có tới 600 thi thể được chôn dọc sông Hằng ở thành phố vào giai đoạn cao điểm dịch. Tuy nhiên, người dân địa phương tin rằng, đó chỉ là một phần và sẽ có thêm nhiều thi thể nữa chôn ven sông bị nước lũ cuốn trôi trong những tuần tới.
Sonu Chandel, một ngư dân địa phương đang làm việc với một lò hỏa táng ven sông, cho biết ông cảm thấy rùng mình khi thấy nhiều gia đình chôn cất người thân ở ven sông cách đây hai tháng. "Thật sự đau lòng khi thấy những gia đình nghèo buộc phải chôn cất người thân một cách qua quýt, khi nước lũ dâng mọi chuyện càng tồi tệ hơn nữa. "Lúc nào tôi cũng sợ rằng mái chèo đập vào thi thể hay thuyền đè lên thi thể bị nước cuốn lên", ông Chandel chia sẻ với AFP.
Ở nhiều nơi khác ở miền bắc Ấn Độ, như Varanasi, cũng chứng kiến tình trạng tương tự. Người dân địa phương lo ngại, nếu không thu thập và hỏa táng những thi thể trôi nổi đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa. "Điều này có thể gây ra những dịch bệnh nguy hiểm. Chính quyền cần xem xét và giải quyết vấn đề này", ông Dipin Kumar, một người dân sống gần sông Hằng ở Allahabad nói.
Theo truyền thống, tín đồ theo đạo Hindu sẽ hỏa táng người chết. Tuy nhiên, nhiều cộng đồng có tập tục được gọi là "Jal Pravah" - tập tục thả trôi sông thi thể của trẻ em, phụ nữ chưa chồng, hoặc những người chết vì bệnh truyền nhiễm hoặc bị rắn cắn.
Trong khi đó, nhiều người nghèo do không có tiền hỏa táng thân nhân nên cũng quấn thi thể bằng vải dạ trắng và thả xuống nước. Đôi khi, thi thể được buộc vào đá để đảm bảo sẽ chìm xuống đáy sông, nhưng có nhiều xác được thả trôi mà không buộc đá.
Cảnh tượng thi thể trôi nổi trên sông Hằng không hiếm gặp nhưng tăng vọt trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 ở Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 5.
Hiện cảnh sát phối hợp với các nhóm ứng phó khủng hoảng tại các địa phương này phải tăng cường tuần tra dọc dòng sông thiêng này để tìm kiếm và trục vớt các thi thể. Tuy nhiên, công việc trục vớt cũng gặp nhiều trở ngại những ngày gần đây. "Dòng nước chảy xiết, rất khó để vớt các thi thể", một cảnh sát địa phương cho biết.
Tác giả: Minh Phương
Nguồn tin: Báo Dân trí