Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nhiều lần kiến nghị chuyển hệ cao đẳng về Bộ Giáo dục & Đào tạo

Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh việc cần thiết phải chuyển hệ cao đẳng về giáo dục đại học, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Việc này đã được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng kiến nghị nhiều lần.

 Sinh viên Cao đẳng Dược thực hành nghiên cứu. Ảnh minh họa

Cần cơ chế quản lý không xung đột

Đầu năm 2021, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục kiến nghị đưa trình độ cao đẳng trở lại bậc giáo dục đại học. Đồng thời, đưa quản lý Nhà nước đào tạo cao đẳng về cùng đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo sư Trần Hồng Quân – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, đây không phải là lần đầu Hiệp hội kiến nghị. Thực tế, Hiệp hội đã nêu kiến nghị nhiều lần, với nhiều hình thức khác nhau phát biểu với các cơ quan có thẩm quyền.

“Vì cao đẳng thuộc phạm trù đại học, nên gom về một đầu mối quản lý Nhà nước để thống nhất xây dựng mối tương quan mục tiêu đào tạo giữa hai cấp học. Điều này phù hợp với cơ cấu lao động xã hội, mặt khác cũng dễ tạo sự liên thông trong tổ chức đào tạo. Đầu mối chung đó tốt nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo” - Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh.

Cũng theo GS Trần Hồng Quân, có ý kiến cho rằng, quản lý Nhà nước không quan trọng. Miễn là trong cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân được duyệt năm 2016, cao đẳng vẫn thuộc phạm trù đại học.

Tuy nhiên, qua thực tiễn, Giáo sư Trần Hồng Quân nhận thấy không phải vậy, sự thiếu thống nhất quản lý đã làm cho cấu trúc hệ thống nói trên có sự méo mó nhất định. Điều này Hiệp hội cũng nêu rất rõ ràng, chi tiết trong kiến nghị.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ cấu lao động xã hội nói chung và nguồn nhân lực khoa học công nghệ nói riêng đang có những thay đổi liên tục nhanh chóng. Nếu bộ não quản lý lĩnh vực này phân tán thì khó có thể đáp ứng tùy biến linh hoạt được. Câu chuyện này đã rõ ràng, vậy mà hơn chục năm nay vẫn không giải quyết được, và có vẻ ngày càng chia cắt sâu hơn.

Hiệp hội cho rằng, theo tinh thần của Nghị quyết 19 Ban Chấp hành Trung ương Khóa 12, một lĩnh vực giáo dục chỉ nên giao cho một cơ quản quản lý Nhà nước thì mới hiệu quả và không xảy ra xung đột.

 Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Logic hệ thống và nội dung chương trình

Theo một chuyên gia giáo dục là giám đốc đại học, hiện nay, hệ cao đẳng được giao cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý về mặt Nhà nước. Tuy nhiên, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương cũng đã xác định rõ lộ trình tự chủ của giáo dục sau phổ thông tức là giáo dục đại học.

Như vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần gắn một chuỗi: Giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học rồi sau đại học. Đó là mặt logic quản trị để trở thành một hệ thống nhất. Nó hoàn toàn phù hợp với quá trình trưởng thành của con người.

Vị Giám đốc này lý giải: Trong hệ thống giáo dục quốc dân có Giáo dục Mầm non, Giáo dục Phổ thông, Giáo dục Nghề nghiệp và Giáo dục Đại học. Nếu nói về cách tiếp cận quá trình trưởng thành của con người thì đây là logic mang tính hệ thống từ khi đi học mầm non đến các cấp độ cao hơn. Khi học hết phổ thông, một nhóm học sinh có thể tiếp cận theo hướng nghề nghiệp, một nhóm sẽ vào học đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, nhóm học sinh tiếp cận nghề nghiệp vẫn có con đường khác là vừa học vừa làm, mà giáo dục đại học chính là cơ hội để các em tiếp tục con đường này. Trong đặc trưng của quá trình tiếp cận nhân cách người học thì hệ thống quản lý cũng cần theo chuỗi hệ thống logic như vậy.

Xét về mặt nội dung học vấn giáo dục phổ thông, theo xu hướng hiện đại cũng cần tích hợp với nội dung giáo dục nghề nghiệp, làm sao để mục tiêu giáo dục phổ thông bảo đảm được mục tiêu kép. Một mặt chuẩn bị cho học sinh tham gia vào đời sống xã hội có hiệu quả. Mặt khác chuẩn bị cho học sinh đi thẳng vào giáo dục sau phổ thông, tức là đại học và cao đẳng.

Có thể nói, công tác phân luồng sau trung học cơ sở đã từng có rất nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề cập khá kỹ nhằm tạo nguồn lao động có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bài toán phân luồng sau trung học cơ sở trở thành vấn đề lớn trong cả hệ thống giáo dục. Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong nhiều năm nay.

Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở nói chung được định hướng vào 4 luồng chính gồm: Học tiếp lên trung học phổ thông; học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề. Người học cũng có thể vừa làm vừa học tiếp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục thường xuyên. Hoặc trực tiếp đi làm kiếm sống.

Do vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông, định hướng nghề nghiệp phải rõ ràng, tạo cơ hội và điều kiện cho các cháu học nghề nghiệp hoặc học đại học, cao đẳng. Cũng chính vì thế, một chuỗi phổ thông - nghề nghiệp - đại học và sau đại học nên trở thành một hệ thống nhất về nội dung chương trình đào tạo, cũng như kiểm tra, đánh giá chất lượng tay nghề.

Như vậy, kiến nghị của Hiệp hội về mặt logic hệ thống và nội dung chương trình giáo dục đào tạo là phù hợp.

“Đề xuất của Hiệp hội cũng căn cứ vào tình hình thực tiễn, lý luận khoa học và chú trọng tổng kết thực tiễn mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo. Đó là tổng kết thực tiễn, nghiên cứu thực tiễn, bàn bạc và thảo luận kỹ với mục tiêu cao nhất là hệ thống giáo dục từ phổ thông đến nghề nghiệp, giáo dục đại học phải là một hệ thống thống nhất. Bởi mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với mục tiêu như vậy, việc sắp xếp tổ chức giao cho Bộ chủ quản thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu kỹ về luật làm sao để tạo môi trường học tập liên tục sáng tạo, tạo cơ hội cho mọi người ở một nền giáo dục mở” - chuyên gia này phân tích.

Tác giả: Ngọc Trang

Nguồn tin: Báo Giáo dục và thời đại