Ráo riết ôn luyện, chạy đua với kỳ thi tốt nghiệp
- 10:14 25-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi, theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, tính đến thời điểm này, sở đã hoàn tất việc rà soát tổng thể, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi. Đồng thời đã hoàn thành tổ chức tập huấn, triển khai kỹ lưỡng việc thực hiện hệ thống phần mềm dùng chung của Bộ GD-ĐT.
Báo cáo thí sinh thuộc các diện F hằng ngày
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, địa điểm in sao đề thi, lưu trữ bài thi, làm phách, chấm thi; chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, máy móc, camera giám sát, phòng cháy chữa cháy cùng các ấn chỉ, ấn phẩm, văn phòng phẩm... đều đã được chuẩn bị kỹ càng. Năm nay TP có 88.774 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 3.249 thí sinh tự do; dự kiến có 160 điểm thi và 3.868 phòng thi. Tổng số cán bộ, giáo viên (GV), nhân viên tham gia coi thi là 15.000 người; tổng số cán bộ, GV, nhân viên tham gia chấm thi chính thức gồm làm phách, lên điểm, chấm thi trắc nghiệm, tự luận là 3.000 người.
Thí sinh được đo nhiệt độ trước khi bước vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm 2020 .Ảnh: TẤN THẠNH |
Đặc biệt, hiện nay, Sở GD-ĐT TP đang phối hợp với ngành y tế rà soát thí sinh thuộc diện F0, F1, F2, thí sinh trong khu phong tỏa...; thực hiện xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 đối với cán bộ, GV làm công tác thi và xét nghiệm cho tất cả cán bộ được cách ly làm nhiệm vụ thi. Phối hợp với ngành y tế để khẩn trương tiêm vắc-xin Covid-19 cho toàn bộ cán bộ, GV tham gia công việc trong các kỳ thi.
Để chuẩn bị cho các kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và tuyển sinh lớp 10, tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, chuyên viên phụ trách y tế học đường có trách nhiệm cập nhật hằng ngày, ngay khi có sự thay đổi số lượng các F0, F1, F2 và người trong khu phong tỏa. Trong đó, bổ sung chi tiết số lượng học sinh (HS) lớp 9 và 12 để báo cáo trực tuyến mỗi ngày. Trước đó, trong kịch bản tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP, Sở GD-ĐT TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho trưởng các điểm thi, hiệu trưởng các trường THPT, trong đó đặc biệt phổ biến các quy định của kỳ thi, phổ biến cho những thí sinh thuộc diện F, thí sinh đang trong khu phong tỏa không thể dự thi nộp hồ sơ chứng minh để dự thi vào đợt 2.
Hệ thống lại kiến thức
Theo ghi nhận của phóng viên, bắt đầu từ ngày 24-6, các trường THPT đã phối hợp với hệ thống bưu điện tiến hành gửi phiếu báo danh về cho thí sinh. Trước thông tin TP HCM sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 1 theo lịch của bộ, những thí sinh không thể dự thi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ dự thi đợt 2. Lãnh đạo nhiều trường THPT và các GV cho rằng lúc này việc cần làm là thí sinh nên bình tĩnh, giữ sức khỏe an toàn và hệ thống lại kiến thức đã học, không nên đoán đề.
Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 3 cho hay theo như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Những nội dung kiến thức được tinh giản do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không được đưa vào đề thi nên thí sinh phần nào cũng yên tâm. Các GV trong trường cũng tổ chức ôn tập cho HS theo hướng này dựa trên cấu trúc đề thi tham khảo đã được công bố trước đó. "GV và cả HS cũng mong Bộ GD-ĐT giữ đúng quan điểm ra đề thi như đã công bố trước đây để HS không bị ngỡ ngàng" - vị này cho biết.
Thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho biết trong 10 ngày cuối cùng, HS cần tập trung rà soát lại kiến thức mình đã ôn tập, xem mình nhớ được khoảng bao nhiêu, kiến thức nào chưa ôn kỹ thì giải quyết ngay. Giữ tâm thế thoải mái trong giai đoạn cuối này, nếu thể chất không tốt thì tập trung sẽ không tốt, đến ngày thi sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. "Điều quan trọng nên làm là trước nhiều thông tin đồn đoán tác phẩm, kiến thức nào sẽ ra trong đề thi, HS cần phải có sự sàng lọc, không học tủ; điều quan trọng hơn nữa là giữ cho mình sự tỉnh táo để giải thử đề thi xem sức mình tới đâu" - thầy Đức Anh khuyên.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An, GV môn ngữ văn Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), khuyên HS: Trong những ngày nước rút, HS cần nắm chắc và biết phân biệt các phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, các kiểu đoạn văn...; sẵn sàng cho việc hỏi gì đáp nấy trong phần đọc hiểu. Điều này đòi hỏi HS phải đọc đề thật kỹ, cố gắng tìm nhiều ý tốt nhất có thể. Phần làm văn, HS không nên học tủ. Theo cô Quỳnh An, đây là khoảng thời gian "vàng" để HS chốt ý và kiến thức. |
Tác giả: Đặng Trinh
Nguồn tin: Báo Người Lao Động