Số ca mắc mới COVID-19 ở Myanmar tăng mạnh, cao nhất từ sau cuộc đảo chính
- 10:14 22-06-2021
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh hoạ: AA |
Chiến dịch ứng phó với COVID-19 của Myanmar đã bị gián đoạn kể từ sau khi quân đội nước này lật đổ chính quyền dân sự và lên nắm quyền vào ngày 1/2.
Các bệnh viện công hầu như không còn hoạt động, và một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra ở nhiều khu vực như bang Kayah - nơi Liên Hợp Quốc ước tính có tổng cộng 100.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa.
Báo giới Myanmar ngày 19/6 thông báo nước này đã ghi nhận thêm 546 ca mắc COVID-19 mới và thêm bảy ca tử vong, mức tăng được cho là cao nhất kể từ sau cuộc đảo chính.
Trước đó, cuối tháng Năm, số ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày ở Myanmar chỉ dao động khoảng 100 ca/ngày.
Tính đến cuối ngày 20/6, tổng số ca mắc COVID-19 ở Myanmar là 148.022 ca, với 3.262 ca tử vong. Tuy nhiên, hiện không rõ Myanmar đang tiến hành bao nhiêu xét nghiệm COVID-19 mỗi ngày, và bao nhiêu người đã được tiêm chủng.
Theo Tân Hoa Xã, chính quyền Myanmar mới đây đã ban hành lệnh hạn chế đi lại tại tám thị trấn - nơi có nhiều ca COVID-19 - để giảm tốc độ lây lan dịch bệnh.
Joy Singhal, trưởng phái đoàn Myanmar tại Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, mô tả mức tăng này là đáng báo động.
“Con số này chứng minh những lo ngại của chúng tôi về việc virus đang lây lan nhanh chóng. Các biến chủng nguy hiểm hơn đã được phát hiện ở nhiều vùng khác nhau của Myanmar”, ông Singhal nói.
“Các bệnh viện và toàn bộ hệ thống y tế đang bị ngưng trệ. Chúng tôi cần khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp điều trị, xét nghiệm và phòng ngừa để ngăn chặn nguy cơ lặp lại thảm kịch của các nước Nam Á.”
Sự gia tăng của số ca bệnh được ghi nhận khi quân đội Myanmar tiếp tục gây áp lực lên các nhân viên y tế. Tuần trước, truyền thông nhà nước đưa tin người từng đứng đầu chiến dịch tiêm chủng COVID-19 của Myanmar - Htar Htar Lin - đã bị bắt và đối mặt với một số cáo buộc, bao gồm cả tội phản quốc, vì làm việc với các chính trị gia ủng hộ dân chủ. Hàng trăm nhân viên y tế đang bị truy nã vì tội kích động.
Theo báo giới địa phương, gần 5.000 người đã bị giam giữ hoặc bị kết án bởi chính quyền quân sự kể từ sau cuộc đảo chính. Trong số này có nhiều nhân viên y tế.
Những người bị truy nã đã không còn làm việc trong các bệnh viện công, thay vào đó, họ chấp nhận mạo hiểm để điều trị bệnh nhân trong các phòng khám bí mật, ngầm, nơi vật tư và thiết bị hạn chế.
Sandra Mon, chuyên gia dịch tễ học cao cấp tại Trung tâm Y tế Công cộng và Nhân quyền, thuộc Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore (Mỹ) đề xuất phương án mời bên thứ ba đến Myanmar để quản lý việc tiêm chủng, trong bối cảnh nhiều nhân viên y tế và dân thường từ chối tiêm vắc xin do chính quyền quân sự cung cấp.
Tác giả: Minh Hạnh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong